Thủ tục rút hồ sơ ly hôn

Ly hôn diễn ra với sự mong muốn chấm dứt hôn nhân từ hai phía, hoặc từ một phía vợ hoặc chồng. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp “gương vỡ lại lành”, khi cả hai bình tĩnh, lắng nghe và muốn gắn kết lại mối quan hệ hôn nhân của họ. Việc rút đơn ly hôn là việc cả hai hay vợ, hoặc chồng không còn ý định ly hôn nhưng đã nộp đơn lên Tòa án xin ly hôn. Vậy khi đã nộp đơn ly hôn lên Tòa án có thể rút lại hay không, chúng ta hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Thủ tục rút hồ sơ ly hôn (Hình minh họa)

1) Hôn nhân thực sự chấm dứt trong trường hợp nào.

Có thể nói xét về mặt tình cảm mối quan hệ hôn nhân có thể rạn nứt hoặc không còn ý nghĩa khi cả hai không còn muốn tiếp tục mối quan hệ hôn nhân. Hoặc một trong hai có các hành vi không tôn trọng quyền và nghĩa vụ của đối phương như bạo hành, xúc phạm, bỏ bê gia đình hoặc ngoại tình. 

Nhưng bên cạnh đó về mặt pháp lý mối quan hệ hôn nhân vẫn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Vì vậy khi cả hai nộp đơn ly hôn Tòa án sẽ khuyến khích hòa giải ở cơ sở ( không bắt buộc) theo Điều 52 và hòa giải tại Tòa án (bắt buộc) theo Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình 2014 để cả hai bên có thời gian suy nghĩ lại trước khi thực sự chấm dứt mối quan hệ hôn nhân.

Mối quan hệ hôn nhân sẽ thực sự chấm dứt khi cả hai ly hôn khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án. Căn cứ theo Khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”

Và thời điểm chấm dứt hôn nhân được quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

“Điều 57. Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn

1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”

Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng mối quan hệ hôn nhân sẽ thực sự chấm dứt kể từ khi bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực.

2) Được rút hồ sơ ly hôn tại thời điểm nào.

2.1) Rút đơn khi tòa chưa thụ lý.

Trong quãng thời gian nộp đơn khi Tòa án chưa bắt đầu tiếp nhận đơn để xem xét các yêu cầu của nguyên đơn thì nguyên đơn có quyền rút hồ sơ ly hôn.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về quyền quyết định và tự đoạt của đương sự như sau:

Điều 5. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự

2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Căn cứ theo Khoản 4 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về quyền, nghĩa vụ của đương sự như sau:

Điều 70. Quyền, nghĩa vụ của đương sự

Đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây:

4. Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này.

Theo các căn cứ trên trong các vụ án dân sự thì đương sự có quyền chấm dứt hoặc rút đơn khởi kiện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Nếu là thuận tình ly hôn cả hai sẽ tự thỏa thuận rút đơn. Còn đơn phương ly hôn thì bị đơn có quyền rút đơn, nếu việc rút đơn là tự nguyện, không bị ép buộc hoặc lừa dối. 

2.2) Rút đơn khi tòa đã thụ lý.

Sau khi Tòa án thụ lý sẽ tiến hành xem xét, xử lý hồ sơ ly hôn của nguyên đơn cho đến ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm

Căn cứ theo Điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về đình chỉ giải quyết vụ án sau khi thụ lý như sau:

Điều 217. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;

Căn cứ theo Điểm c Khoản 2 Điều 366 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 trong thời hạn chuẩn bị xét đơn Tòa án có quyết định đình chỉ việc xét đơn khi nguyên đơn có yêu cầu rút đơn như sau: 

Điều 366. Chuẩn bị xét đơn yêu cầu

2. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án tiến hành công việc sau đây:

c) Quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu và trả lại đơn yêu cầu, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu

Như vậy người khởi kiện yêu cầu ly hôn có thể rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, khi đơn đã được tòa án thụ lý. Tòa án sẽ tiến hành xóa tên vụ án thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, kèm các tài liệu cho đương sự.

2.3) Rút đơn tại phiên tòa sơ thẩm.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về thủ tục hỏi đương sự về việc rút yêu cầu khởi kiện như sau:

Điều 243. Hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu

Thủ tục hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu được bắt đầu bằng việc chủ tọa phiên tòa hỏi đương sự về các vấn đề sau đây:

1. Hỏi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không.

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 về việc xem xét và đình chỉ xét xử với việc rút yêu cầu của đương sự như sau:

Điều 244. Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu

2. Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.

Tại phiên Tòa sơ thẩm chủ tọa phiên Tòa hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không.

Nếu đương sự muốn rút yêu cầu khởi kiện ly hôn thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử vụ án với yêu cầu của đương nếu việc rút đơn là tự nguyện.

2.4) Rút đơn trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

Điều 299. Nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm

1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tuỳ từng trường hợp mà giải quyết như sau:

a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;

b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Khi nguyên đơn kháng cáo bản án sơ thẩm thì thủ tục ly hôn sẽ được tiếp tục giải quyết ở cấp phúc thẩm.

Và trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm giải quyết việc ly hôn thì nguyên đơn có thể rút yêu cầu ly hôn. Hội đồng xét xử chấp nhận nếu bị đơn đồng ý cho nguyên đơn rút đơn khởi kiện ly hôn. Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án ly hôn.

Trường hợp bị đơn không đồng ý cho nguyên đơn rút đơn yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và vẫn tiến hành giải quyết tranh chấp ly hôn theo thủ tục phúc thẩm.

3) Thủ tục rút đơn ly hôn.

Để có thể rút đơn ly hôn nguyên đơn phải thực hiện các thủ tục như sau:

Bước 1:

Nguyên đơn viết đơn yêu cầu rút đơn theo mẫu gửi lên Tòa án nhân dân mà vợ chồng đã nộp đơn để Tòa án trả lại đơn và hồ sơ.

Trong đơn xin rút yêu cầu khởi kiện về việc ly hôn, cần trình bày rõ thông tin và tư cách của người làm đơn xin rút yêu cầu và trình bày về lý do xin rút đơn ly hôn.

Mẫu đơn đề nghị rút đơn khởi kiện:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——o0o——

ĐƠN ĐỀ NGHỊ RÚT ĐƠN KHỞI KIỆN

Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN…………………………………………………..

1. NGUYÊN ĐƠN:

Tôi là:………………………………………………………………………………………………………….Sinh năm:……………………………………

CMND/CCCD số:………………………………………………………………………………………..Nơi cấp:…………………………………….

Hộ khẩu thường trú:………………………..……………………………………………………………………………………………………………..

Điện thoại:………………………………………..…………………………………………………………………………………………………………….

2. BỊ ĐƠN:

Ông (bà):…………………………………………………………………………………………………….Sinh năm:…………………………………..

CMND/CCCD số:………………………………………………………………………………………..Nơi cấp:…………………………………….

Hộ khẩu thường trú:……………………………………………………………………………………………………………………………………….

Về việc ………………………………………………………………..do Tòa án nhân dân……………………………….. thụ lý giải quyết.

I. NỘI DUNG VỤ VIỆC

_Tôi là……………,tôi và vợ/ chồng………………………kết hôn năm…………….được cấp bởi UBND………………………..

cấp giấy chứng nhận kết hôn số……………………………vào ngày………tháng……..năm……………………………………….

– Tóm tắt cụ thể nội dung vụ việc.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

II. NỘI DUNG YÊU CẦU

Do vậy, nay bằng đơn này tôi xin được rút đơn khởi kiện.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Kính mong Quý Tòa xem xét chấp thuận và ra Quyết định đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

…..ngày…..tháng…..năm.….

NGƯỜI LÀM ĐƠN

(Ký, ghi rõ họ và tên)

Bước 2: 

Sau khi chấp nhận yêu cầu rút đơn ly hôn thuận tình của vợ, chồng, Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 366 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tòa án sẽ trả lại đơn thuận tình ly hôn cùng với các tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Sau khi chấp nhận yêu cầu của vợ, chồng có yêu cầu rút đơn ly hôn đơn phương thì căn cứ theo khoản 3 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tòa án sẽ xóa tên vụ án đó, trả lại đơn ly hôn đơn phương, tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu có yêu cầu.

Đồng thời, Tòa án cũng sẽ sao chụp và lưu lại để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.

Liên hệ ngay:
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận