
Hiện nay, thực hiện theo Quyết định 391/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiện vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì cơ cấu tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam được chia làm 03 cấp, gồm:
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam: có 14 đơn vị tham mưu tại Trung ương;
- Bảo hiểm xã hội khu vực trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức theo 35 khu vực;
- Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội liên huyện (gọi chung là Bảo hiểm xã hội cấp huyện) thuộc Bảo hiểm xã hội khu vực.
Tùy vào mỗi cơ quan sẽ có phần quyền chức năng và nhiệm vụ khác nhau để phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội. Trong số những cơ quan nêu trên, Bảo hiểm xã hội cấp quận/huyện/thị xã/thành phố là nơi trực tiếp thụ lý, giải quyết, hướng dẫn đại đa số các thủ tục hành chính cho người lao động.
Thế nhưng, sắp tới đây khi đất nước ta bắt đầu vào cuộc “cải cách” sát nhập, tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, bãi bỏ cấp huyện kể từ ngày 1/7/2025. Rất nhiều các câu hỏi từ người lao động được đặt ra rằng: Bãi bỏ cấp huyện thì giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến Bảo hiểm xã hội được thực hiện ở đâu?
Câu trả lời được quy định rõ tại Nghị quyết 08/NQ-ĐUBTC quy định về phân công, phân cấp công tác tổ chức, cán bộ và sắp xếp lại tổ chức bộ máy một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính.
Cụ thể, Căn cứ tại tiết b Tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết 08-NQ/ĐUBTC năm 2025 có quy định về bảo hiểm xã hội cụ thể:
“b) Đối với cơ quan thống kê, bảo hiểm xã hội (BHXH)
– Sắp xếp lại Chi cục thống kê tỉnh, thành phố, BHXH khu vực để quản lý trùng khớp với đơn vị hành chính cấp tỉnh (tổ chức lại từ 63 Chi cục thống kê thành 34 Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức lại 35 BHXH khu vực thành 34 BHXH tỉnh, thành phố).
– Không tổ chức cơ quan thống kê, BHXH cấp huyện và chuyển đổi đội thống kê cấp huyện thành Thống kê cơ sở thuộc Thống kê tỉnh, thành phố, BHXH cấp huyện thành BHXH cơ sở thuộc BHXH tỉnh, thành phố để quản lý trên địa bàn một số đơn vị hành chính cấp xã.”
Như vậy, cơ cấu tổ chức bảo hiểm xã hội cấp huyện sẽ được sắp xếp lại theo hướng bỏ bảo hiểm xã hội cấp huyện, chuyển đổi thành bảo hiểm xã hội cơ sở trực thuộc bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố.
Ngoài ra, căn cứ Điều 5 Quyết định 2355/QĐ-BHXH năm 2022 quy định vị trí, chức năng của Bảo hiểm xã hội huyện được quy định như sau:
“1. Bảo hiểm xã hội huyện là cơ quan trực thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh đặt tại huyện, có chức năng giúp Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quản lý thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện theo quy định.
2. Bảo hiểm xã hội huyện chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh và chịu sự quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Bảo hiểm xã hội huyện có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản và trụ sở riêng.
4. Không tổ chức đơn vị Bảo hiểm xã hội huyện tại đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc tỉnh, nơi có trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh đóng trên địa bàn.”
Kết luận: Người lao động hoàn toàn yên tâm vì các cơ quan chức năng đã có nhưng văn bản quy định kịp thời hướng dẫn thi hành liên quan đến vấn đề cơ cấu tổ chức các cơ quan Bảo hiểm xã hội. Kể từ ngày 1/7/2025, mọi thủ tục hành chính Bảo hiểm xã hội cấp huyện/quận/thị xã/thành phố sẽ được giải quyết tại cơ quan Bảo hiểm xã hội cơ sở trực thuộc bảo hiểm xã hội tỉnh/thành phố.