1. Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là gì?
Theo khoản 35 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 (sửa đổi bổ sung năm 2025) quy định: “Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp) là cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế vốn điều lệ hoặc có quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó, trừ trường hợp người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.”
Như vậy, có thể hiểu chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là cá nhân có quyền sở hữu thực tế vốn điều lệ hoặc quyền chi phối doanh nghiệp, dù không nhất thiết phải đứng tên trực tiếp trên giấy tờ đăng ký kinh doanh. Quy định này nhằm minh bạch hóa hoạt động doanh nghiệp, ngăn chặn các hành vi lợi dụng cổ đông ẩn danh để trốn thuế, rửa tiền hoặc thao túng doanh nghiệp
2. Tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 168/2025/NĐ-CP, tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là:
“1. Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp) là cá nhân đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
a) Cá nhân sở hữu trực tiếp hoặc sở hữu gián tiếp từ 25% vốn điều lệ hoặc 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của doanh nghiệp;
b) Cá nhân có quyền chi phối việc thông qua ít nhất một trong các vấn đề sau: Bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên; người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; tổ chức lại, giải thể công ty.
2. Cá nhân sở hữu gián tiếp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này là cá nhân sở hữu từ 25% vốn điều lệ hoặc 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của doanh nghiệp thông qua tổ chức khác.”
Ví dụ: Công ty X là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên có vốn điều lệ là 1.000.000.000 đồng, và có 2 thành viên góp vốn:
- Ông A góp 800.000.000 đồng, chiếm 80% vốn điều lệ.
- Ông B góp 200.000.000 đồng, chiếm 20% vốn điều lệ.
Vậy:
- Ông A là Chủ sở hữu hưởng lợi của công ty X với tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là 80%;
- Ông B không phải là chủ sở hữu hưởng lợi của công ty X.
3. Nghĩa vụ kê khai và lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp
Nghĩa vụ kê khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp được quy định tại Điều 18 Nghị định 168/2025/NĐ-CP, như sau:
“1. Người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp kê khai, thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp như sau:
a) Cá nhân là cổ đông sở hữu từ 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên;
b) Cá nhân là thành viên sở hữu từ 25% vốn điều lệ trở lên của công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
c) Cá nhân là chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
2. Người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp tự xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định này và kê khai, thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh (nếu có).
3. Người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp kê khai, thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh thông tin cổ đông là tổ chức sở hữu từ 25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên. Thông tin của cổ đông là tổ chức bao gồm: Tên tổ chức, mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập, ngày cấp, nơi cấp, địa chỉ trụ sở chính, tỷ lệ sở hữu tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.”
Theo đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai, thông báo thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh khi thành lập hoặc khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Thông tin này bao gồm:
- Họ, tên;
- Ngày, tháng, năm sinh;
- Quốc tịch; dân tộc;
- Giới tính;
- Địa chỉ liên lạc;
- Tỷ lệ sở hữu hoặc quyền chi phối;
- Thông tin về giấy tờ pháp lý của cá nhân chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.
Đồng thời, tại Điều 19 Nghị định 168/2025/NĐ-CP quy định về việc lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp như sau: “Doanh nghiệp lưu giữ Danh sách chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp đã kê khai, thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định này dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử.”
4. Tổng đài tư vấn pháp luật qua điện thoại
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!