Tác giả: Mỹ Tâm
Cập nhật: 04/08/2025

Nội dung

 

1. Không công nhận quan hệ vợ chồng trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ 2014) quan hệ hôn nhân chỉ được pháp luật công nhận khi hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Trừ các trường hợp sau đây:

  • Nếu nam nữ chung sống như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà không có đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng vẫn được pháp luật thừa nhận từ ngày xác lập (chứ không phải chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn).
  • Trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước 01/01/2001 mà đáp ứng các điều kiện kết hôn theo Luật hôn nhân gia đình năm 2000 chưa đăng ký kêt hôn và đang chung sống như vợ chồng thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn 2 năm từ 01/01/2001 đến 01/01/2003. Nếu đăng ký kết hôn trong thời hạn này thì quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày bắt đầu chung sống. Nếu hết 2 năm đó mà không đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng.

Kể từ ngày 01/01/2001 nếu nam nữ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn thì pháp luật không cộng nhận là vợ chồng. Cụ thể:

  • Không có quyền lợi và nghĩa vụ vợ chồng theo quy định pháp luật: Nam nữ chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật bảo vệ quyền lợi như những cặp vợ chồng hợp pháp. Điều này có nghĩa là:
    • Không có quyền yêu cầu cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn mà một bên khó khăn túng thiếu và có lý do chính đáng.
    • Không có quyền thừa kế theo diện vợ chồng nếu một bên qua đời.
    • Không được bảo vệ quyền lợi về tài sản chung như vợ chồng hợp pháp.
  • Không được giải quyết ly hôn: Vì pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng, nên nếu hai bên muốn chấm dứt quan hệ hoặc phát sinh tranh chấp, họ không thể yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trường hợp hôn nhân hợp pháp, khi có tranh chấp phát sinh thì một trong hai bên có quyền kiện ra toà án yêu cầu toà án không công nhận quan hệ vợ chồng, chia tài sản chung, yêu cầu được nuôi con chung và cấp dưỡng nuôi con …..

2. Vấn đề chia tài sản chung trong trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Dù quan hôn nhân không được công nhận, nhưng nếu trong quá trình chung sống, hai bên có tài sản chung thì việc giải quyết tranh chấp vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật.

a) Nguyên tắc giải quyết tài sản chung

Theo Điều 16 Luật HNGĐ 2014, khi nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn, việc giải quyết tài sản sẽ áp dụng theo nguyên tắc thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, Tòa án sẽ xem xét và giải quyết dựa trên:

  • Quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật dân sự:
    • Nếu tài sản có giấy tờ sở hữu đứng tên một người thì người đó được công nhận là chủ sở hữu.
    • Nếu có chứng cứ chứng minh tài sản là của chung (cả hai cùng đóng góp mua sắm), Tòa án sẽ phân chia theo mức đóng góp của từng người.
  • Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên:
    • Nếu một bên chứng minh được mình có đóng góp lớn hơn vào khối tài sản chung, Tòa án có thể xem xét chia tài sản theo tỷ lệ tương ứng.
    • Trường hợp một bên ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập điều đó có thể được xem xét như một đóng góp vào khối tài sản chung.

b) Giải quyết tranh chấp về nhà ở, đất đai

  • Nếu nhà, đất đứng tên một người, người đó được xác định là chủ sở hữu. Bên còn lại chỉ có thể yêu cầu chia tài sản nếu chứng minh được đã cùng đóng góp mua, tạo lập nhà, đất.
  • Nếu tài sản là do hai bên cùng đứng tên thì thường được chia đôi hoặc theo mức đóng góp thực tế.

c) Giải quyết nợ chung

Nếu hai bên có khoản nợ chung phát sinh trong thời gian chung sống mà không có đăng ký kết hôn, việc trả nợ sẽ được giải quyết theo nguyên tắc:

  • Nếu cả hai cùng đứng tên khoản nợ hoặc có thỏa thuận vay nợ chung thì cả hai phải có trách nhiệm trả nợ.
  • Nếu chỉ một bên vay và bên kia không tham gia hay hưởng lợi, chỉ bên vay có trách nhiệm trả nợ.

Từ những phân tích nêu trên có thể khẳng định nam nữ sống chung mà không đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng, không có các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng hợp pháp.

Tài sản chung sẽ được giải quyết theo pháp luật dân sự, dựa vào thỏa thuận của các bên nếu không có thoả thuận thì xem xét công sức đóng góp của các bên. Đặc biệt, khi tranh chấp xảy ra, người không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản khác… mà có yêu cầu chia tài sản chung thì phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh tài sản đó là tài sản chung của cả hai thì mới có căn cứ để toà án xem xét việc chia tài sản.

Khuyến cáo

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến info@bigbosslaw.com.

Bigboss Law là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@bigbosslaw.com.

Chia sẻ:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

YÊU CẦU TƯ VẤN

THÔNG TIN
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x