Chia tài sản sau khi ly hôn? Án phí chia tài sản khi ly hôn là bao nhiêu?

Luật sư tư vấn chia tài sản khi vợ chồng ly hôn. Mức cấp dưỡng cho con khi ly hôn.


1. Hỏi chia tài sản sau khi ly hôn khi chồng ngoại tình

Tóm tắt câu hỏi: Thưa luật sư! Cho tôi hỏi những câu hỏi sau: Năm 2014, khi em gái tôi sinh đứa thứ 03 (Con trai đầu sinh 2003, con gái thứ 02 sinh 2006 và con gái thứ 03 hiện được 30 tháng tuổi) thì chồng em gái tôi ngoại tình bên ngoài. Đầu năm 2016 thì chồng em gái tôi vẫn qua lại với người tình và chồng em gái tôi làm đơn ly hôn đơn phương, chồng em gái tôi tự thuê thẩm định tài sản chung bao gồm (mảnh đất gắn liền nhà: 220 triệu đồng, tài sản gắn trên đất, vật dụng: 306 triệu đồng). Chồng em gái tôi yêu cầu em gái tôi đi khỏi nhà hiện đang sống cùng các con, vì cho rằng đây là nhà của mẹ chồng (mẹ chồng mất đã lâu), đặt vấn đề chia đôi số tài sản thẩm định cho em gái tôi 150 triệu (chưa bao gồm đất), đồng thời chu cấp cho 03 con mỗi tháng 2,4 triệu đồng.

1.1. Về đất và nhà ở: Trước năm 2002 mẹ chồng em gái tôi có mảnh đất (chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất rộng 12m, dài 30m), trên đất có ngôi nhà cũ (năm 2007 đập phá đi để xây nhà mới hoàn toàn, trong đó bán một phần miếng đất bên cạnh để xây nhà). Em gái tôi kết hôn năm 2002 sống cùng với gia đình nhà chồng gồm có (mẹ chồng, chồng (là con duy nhất), cha chồng em gái tôi chết sớm, 02 cháu là con của vợ/chồng em gái tôi). Như vậy trong trường hợp ly hôn, để đảm bảo quyền lợi của em gái tôi và các cháu, em gái tôi và 03 cháu có được quyền ở lại ngôi nhà này hay không? Em gái tôi sống liên tục 15 năm tại ngôi nhà này, đã có công sức và đóng góp tiền kinh doanh buốn bán để xây dựng, cải tạo ngôi nhà này.

Chồng em gái của tôi quyết đuổi em gái tôi và các con ra ngoài và đưa 150 triệu (tài sản chung là 306 triệu chia đôi 2 vợ chồng không bao gồm đất). Tòa án cũng theo hướng của chồng em gái tôi là như vậy và có phụ cấp cho 03 con của em gái tôi mỗi tháng 2 triệu 4 (lương cơ bản của chồng em gái tôi là 6 triệu 2 là Trưởng bộ phận cơ khí nhà máy đường của 1 tập đoàn lớn và nơi làm cách nhà khoảng 20 km). Chồng em gái của tôi đưa thêm 10 triệu đồng để bù vào công sức đóng góp 15 năm qua. Trong thời hạn 3 tháng sẽ ra khỏi nhà. Tòa án cho chồng em gái tôi ở lại ngôi nhà một mình như vậy có đúng luật không? Phụ cấp nuôi con có hợp lý?

1.2. Bù đắp thiệt hại do không buôn bán được vì chồng em gái tôi thường xuyên gây khó dễ với khách hàng đến mua hàng: chồng em gái tôi gây khó dễ với em gái của tôi trong việc làm ăn buôn bán, ế ẩm, không có thu nhập. Vậy em gái của tôi có đòi được số tiền trong mấy tháng chờ tòa phân xử ly hôn không?

1.3. Trong thời gian chờ ly hôn làm sao để chồng em gái tôi không quậy phá nữa: định ly hôn và phân xử tài sản thì em gái tôi nên làm gì?

1.4. Mảnh đất của bố mẹ tôi cho 2 vợ chồng em gái tôi trong thời gian chung sống với nhau, có làm giấy tờ tay – chưa ra phường xác nhận và đóng dấu, chưa chính thức đăng ký quyền sử dụng đứng tên 02 vợ chồng em gái tôi. Giờ 2 vợ chồng em gái tôi ly hôn thì bố mẹ tôi không cho nữa. Như vậy 2 vợ chồng của em gái tôi có được quyền sở hữu, quyền sử dụng mảnh đất đó không? Muốn hủy bỏ việc cho này thì cha mẹ tôi phải làm gì?

Kính mong Luật tư tư vấn giúp cho tôi để tôi hướng dẫn em gái tôi thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp lý theo qui định; đảm bảo quyền lợi cho em gái tôi và các cháu/. Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Luật sư tư vấn:

– Thứ nhất, về mảnh đất của mẹ chồng em gái bạn.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 thì trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Theo thông tin bạn cung cấp, mẹ chồng của em gái bạn có mảnh đất sử dụng từ trước năm 2002, chưa cấp sổ đỏ, sau khi mất thì không để lại di chúc. Nếu mẹ chồng của em gái bạn có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Điều 100 hoặc Điều 101 Luật Đất đai 2013 thì trong trường hợp này, mảnh đất đó sẽ được chia đều cho những người thuộc hang thừa kế thứ nhất, mà hiện nay chỉ còn 1 mình chồng của em gái bạn, trong trường hợp này, chồng của em gái bạn sẽ được xác định là người thừa kế đối với mảnh đất đất và đủ điều kiện sử dụng mảnh đất đất, em gái bạn là con dâu không có quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đó. Em gái bạn có quyền yêu cầu người chồng thanh toán 01 phần tiền tương đương với công sức đóng góp của em gái bạn trên mảnh đất này từ khi về làm dâu.

Còn tài sản trên đất và vật dụng trị giá 306 triệu đồng thì sẽ chia đôi cho vợ chồng em gái bạn mỗi người một nửa là 153 triệu đồng.

– Về việc em gái bạn và các con có được ở lại trên mảnh đất đó hay không?

Điều 63 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn như sau:

“Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Theo quy định trên, trong trường hợp sau khi khi hôn, nếu một bên còn lại có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, em gái bạn có quyền lưu cư trên nhà, đất của chồng trong 6 tháng kể từ ngày chấm dứt hôn nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Về vấn đề cấp dưỡng.

Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

Chia tài sản sau ly hôn
Hãng Luật BIGBOSS LAW – tư vấn pháp luật miễn phí

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

… “

– Về việc cấp dưỡng cho 2 con nhỏ sống với em gái bạn khi ly hôn

Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về mức cấp dưỡng như sau:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Nếu con được giao cho em gái bạn nuôi thì chồng em gái bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Hiện nay không có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do vợ chồng em gái bạn tự thỏa thuận đồng thời dựa trên thu nhập hàng tháng của chồng em gái bạn sau khi trừ đi các chi phí khác như ăn ở, sinh hoạt,… để quyết định mức cấp dưỡng.

– Về việc yêu cầu chồng của em gái bạn bồi thường thiệt hại do hành vi cản trở việc làm ăn buôn bán của em gái bạn.

Điều 604 “Bộ luật dân sự 2015” quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”

Theo thông tin bạn cung cấp, chồng của em gái bạn thường xuyên có hành vi gây khó dễ với khách đến mua hàng của em gái bạn, cản trở hoạt động kinh doanh, dẫn đến giảm sút thu nhập của em gái bạn thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho em gái bạn.

Để yêu cầu bồi thường thiệt hại, em gái bạn có thể gửi đơn đến Tòa án nơi người chồng đang cư trú để yêu cầu bồi thường.

Trong thời gian chờ ly hôn, để chồng của em gái bạn không đến quậy phá, cản trở em gái bạn kinh doanh thì em gái bạn nên tường trình hành vi này tới Cơ quan công an cấp xã nơi chồng em gái bạn đang sinh sống để yêu cầu chấm dứt hành vi này.

– Về mảnh đất mà bố mẹ bạn cho 2 vợ chồng em gái trong thời gian chung sống với nhau.

Theo như bạn trình bày, bố mẹ bạn có cho 2 vợ chồng em giá bạn mảnh đất, có giấy tờ tay chưa công chứng, chứng thực, chưa sang tên cho 02 vợ chồng em gái bạn. Theo quy định tại điểm a) Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013, hợp đồng tặng cho tài sản phải được công chứng, chứng thực mới hợp pháp. Do đó việc tặng cho của bố mẹ bạn cho vợ chồng em gái bạn là không có giá trị pháp lý, bố mẹ bạn có quyền lấy lại tài sản này.

2. Hỏi chia tài sản chung khi ly hôn hộ mẹ chồng

Tóm tắt câu hỏi: Mẹ chồng tôi đang muốn ly hôn. 2 vợ chồng đã ly thân được 7 năm. Mẹ chồng tôi muốn ly hôn nhằm mục đích chia tài sản. Vì khi bà thoả thuận với bố chồng tôi để bán thì bố chồng tôi không đồng ý. Mẹ chồng tôi có tìm đến văn phòng Luật sư xin tư vấn. Luật sư cho hay: Thứ nhất, theo luật mới ban hành tài sản sẽ chia thành 3 phần cho: bố, mẹ và con cái. Thứ hai, để được bán tài sản (mẹ tôi muốn bán để lấy tiền mua nhà khác, do không thể sống chung nhà được nữa, mà mẹ tôi thì ko có tiền riêng để mua nhà), luật sư tư vấn là có thể nhờ toà ra quyết định chia tài sản cho. Tuy nhiên, mẹ tôi đang phân vân vì nếu toà chia tài sản, nhưng sau khi ly dị bố chồng tôi nhất quyết không ký giấy bán nhà thì cũng không bán được. Nhờ luật sư tư vấn dùm tôi, các tư vấn trên của văn phòng luật sư mà mẹ tôi xin ý kiến có đúng hay không? Nếu họ tư vấn không đúng, để được bán tài sản, mẹ tôi cần làm gì?

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất, về vấn đề chia tài sản khi ly hôn: Khi ly hôn, về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân sẽ được chia đôi. Nhưng nếu trong quá trình chung sống mà con của vợ chồng đó cũng có đóng góp trong khối tài sản chung thì người con cũng có quyền yêu cầu tòa án chia phần đóng góp của mình trong khối tài sản chung này.

Khi ly hôn thì việc phân chia tài sản sẽ theo nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình 2014 để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Nguyên tắc 2, việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Nếu bố chồng bạn không ký giấy bán nhà thì Tòa án xác định. Nếu căn nhà mua bằng tiền do hai vợ chồng bà có được thì dù chỉ có một mình chồng bà đứng tên, căn nhà đó vẫn được coi là sở hữu chung của vợ chồng và bà có quyền yêu cầu chia tài sản theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

3. Chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Tóm tắt câu hỏi: Ba mẹ em cưới nhau được hơn 20 năm rồi và có được 3 người con. Khi bình thường thì không có gì nhưng khi ba em uống rượu hoặc có chuyện gì đó thì ông ấy lại lôi những chuyện đã ghim trong lòng ra chửi mọi người trong gia đình. Ba em rất coi trong sĩ diện bản thân nhưng lại thường xuyên đánh đập, lăng mạ xúc phạm nhân cách nhân phẩm mọi người trong gia đình, có khi còn chửi cả ông ngoại em, trong khi do mẹ em lại không dám chửi nặng lời lại 1 câu, vì chỉ cần thấy mẹ con em nói động chạm không vừa ý ba là sẽ bị ăn đánh ngay; có khi đến 2,3 ngày sau vẫn còn chửi, hoặc là có thể bị đuổi ra khỏi nhà.

Với tình trạng trên thì việc ly hôn của ba mẹ rất có có thể xẩy ra. Và em được biết là: Ba mẹ em chỉ tổ chức đám cưới chứ không có giấy đăng ký kết hôn, mọi tài sản trong gia đình đều do ba em đứng tên, căn nhà em đang ở là căn nhà tình thương, 70% là của nhà nước, còn lại là của gia đình. Mảnh đất nhà em đang ở là của ông bà nội cho miệng từ hơn 20 năm trước đến bây giờ ba em vẫn chưa làm sổ đỏ (mặc dù em được biết là đã có rất nhiều lần chính quyền địa phương thông báo cho các họ dân để hoàn tất). Em rất mong anh chị đưa ra ý kiến giúp em, để khi ly hôn mẹ em không bị thiệt thòi.

Luật sư tư vấn:

Chào bạn, theo những thông tin bạn cung cấp trên thì bố mẹ bạn chỉ tổ chức đám cưới mà không đăng ký kết hôn và bạn không nói rõ bố mẹ bạn tổ chức đám cưới từ ngày tháng năm nào. Cho nên nếu bạn mẹ ly hôn thì sẽ có khả năng xảy ra một trong các trường hợp sau:

Theo tinh thần của Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03/01/2001.

– Trường hợp thứ nhất: bố mẹ bạn chỉ tổ chức đám cưới và về sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung.

Tức là, bố mẹ nếu tổ chức đám cưới và về sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 thì sẽ được Tòa án công nhận là có quan hệ vợ chồng, khi ly hôn thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung.

Do vậy, nếu trong trường hợp mà bố mẹ bạn ly hôn thì việc chia tài sản chung của hai vợ chồng sẽ tuân theo nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn tại Điều 95 Luật Hôn nhân – Gia đình năm 2000 như sau:

“1. Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

2. Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

3. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Nếu bố mẹ không thỏa thuận được về vấn đề chia căn nhà thì sẽ phải yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản chung của vợ chồng là căn nhà sẽ được phân chia theo Điều 98 Luật này: “Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng có thể chia để sử dụng thì khi ly hôn được chia theo quy định tại Điều 95 của Luật này; nếu không thể chia được thì bên được tiếp tục sử dụng nhà ở phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng.”

Theo đó, trong trường hợp này thì tài sản chung của bố mẹ bao gồm 30% giá trị căn nhà, các tài sản khác trong gia đình nếu chúng được tạo lập trong thời kỳ ba mẹ bạn chung sống với nhau sẽ được chia đôi. Còn về quyền sử dụng mảnh đất mà gia đình bạn đang sinh sống không phải là tài sản chung của bố mẹ bạn; bởi vì nó chỉ được ông bà nội miệng từ hơn 20 năm trước (theo quy định của Luật đất đai 2013 thì việc tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực). Do vậy quyền sử dụng mảnh đất đó vẫn thuộc về ông bà nội bạn.

– Trường hợp thứ hai: Nếu ba mẹ bạn tổ chức đám cưới và về sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến bây giờ và vẫn chưa thực hiện việc đăng ký kết hôn. Khi bố mẹ bạn ly hôn thì Tòa án sẽ tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.

Điều 17. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

2. Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.

3. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.”

Như trên, thì quyền sử dụng mảnh đất mà gia đình bạn đang ở vẫn thuộc về ông bà nội bạn. Còn về 30% giá trị căn nhà, cùng với tất cả các tài sản trong gia đình bạn nếu là tài sản chung của bố mẹ bạn thì sẽ được chia theo thỏa thuận của bố mẹ bạn; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết có tính công sức đóng góp của mỗi bên, ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và các con. Đối với những tài sản là tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc về người đó.

4. Hỏi về vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Tóm tắt câu hỏi: Vợ chồng tôi đã kết hôn được 8 tháng, sau khi kết hôn được một tháng anh ấy đi nước ngoài. Trong thời gian đó, mẹ chồng và mấy chị gái chồng có nhiều quan điểm bất đồng với tôi, chồng lại nghe lời gia đình không nghe tôi giải thích. Anh ấy đi được 8 tháng nhưng chưa một lần gửi tiền về cho tôi mà gửi cho chị gái. Đến tháng 12 vừa qua chị gái anh đưa tiền tôi mua xe máy trị giá 30 triệu mang tên tôi nhưng cũng là tiền của chồng. Cùng một ít vàng khi kết hôn 2 gia đình đã trao. Đến nay vì vuột quá sức chịu đựng của tôi nên tôi đã về nhà mẹ đẻ. Chồng tôi vẫn đang ở nước ngoài và 2 vợ chồng đều thuận tình ly hôn. Vậy ai làm đơn xin ly hôn thì tôi có lợi hơn và tài sản chung của vợ chồng sẽ được phân chia như thế nào?

Trân trọng!

Luật sư tư vấn:

Thứ nhất: Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn được quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân gia đình

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Có thể thấy, theo quy định của pháp luật trong trường hợp thuận tình ly hôn thì cả vợ và chồng đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn..Ngoại trừ trường hợp bạn đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn (người vợ vẫn có quyền yêu cầu ly hôn). Trường hợp của bạn thì chồng bạn hoặc bạn đều có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như nhau.

Thứ hai, Về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng

– Xác định tài sản chung vợ chồng được quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân gia đình

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

– Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được quy định tại Điều 38 Luật hôn nhân gia đình.

“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”

Như vậy, Đối với trường hợp của bạn, tài sản chung của bạn và chồng bạn trong thời kỳ hôn nhân là tài sản mà vợ chồng bạn có được trong thời kỳ hôn nhân và tài sản chồng bạn hoặc bạn sáp nhập vào tài sản chung. Từ đó có thể xác định được chiếc xe máy 30 triệu là tài sản chung của vợ chồng bạn, còn đối với vàng (trang sức) khi kết hôn hai bên gia đình trao thì hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về vấn đề này. Trên thực tế, những nữ trang như đôi bông cưới, dây chuyền, vòng vàng được tính là đồ dạm hỏi thì thường được coi là nữ trang cho riêng cô dâu nên vẫn có thể xem là tài sản riêng. Đối với vàng khâu, tuy là đeo cho cô dâu nhưng nếu người cho xác định vào thời điểm cho là cho hai vợ chồng thì nó vẫn là tài sản chung. Nếu bạn chứng minh được số tài sản là nữ trang bạn được cha mẹ chồng và những người thân khác cho riêng bạn, thì đó là tài sản riêng và không phải chia. Nghĩa vụ chứng minh là của bạn.

5. Cách tính án phí chia tài sản khi ly hôn?

Tóm tắt sự việc: Tôi hiện đang sinh sống tại Bình Dương. Tôi muốn ly hôn và phân chia tài sản. Xin hỏi, án phí vợ chồng tôi phải nộp là bao nhiêu? Trường hợp có tranh chấp tài sản, ai phải nộp?

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 131 Bộ luật Tố tụng dân sự

Điều 131.Nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm

1. Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Toà án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn nộp án phí sơ thẩm hoặc không phải nộp án phí sơ thẩm.

2. Trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Toà án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi bên đương sự phải nộp án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng.

3. Trước khi mở phiên toà, Toà án tiến hành hoà giải nếu các bên đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải nộp án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Toà án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trong trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm.

5. Trong vụ án có đương sự được miễn nộp án phí sơ thẩm thì đương sự khác vẫn phải nộp án phí sơ thẩm mà mình phải chịu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

6. Trong trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Theo đó, nếu bạn khởi kiện ly hôn chồng, bạn sẽ phải nộp án phí sơ thẩm. Mức án phí dân sự sơ thẩm bạn phải nộp là 200.000 đồng.

Trong trường hợp có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng, vợ chồng bạn còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản được chia.

Mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự có giá ngạch như sau:

Giá trị tài sản có tranh chấp

Mức án phí

a) Từ 4.000.000 đồng trở xuống

200.000 đồng

b) Từ trên 4.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng

5% giá trị tài sản có tranh chấp

c) Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng

20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng

d) Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng

36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng

đ) Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng

72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng

e) Từ trên 4.000.000.000 đồng

112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4.000.000.000 đồng

6. Vợ làm nội trợ có được chia tài sản khi ly hôn không?

Tóm tắt câu hỏi: Tôi và chồng kết hôn từ năm 2010, anh làm Giám đốc công ty còn tôi chỉ ở nhà nội trợ. Hai vợ chồng tôi không có con chung, nhưng từ sau khi kết hôn, vợ chồng tôi có mua được mảnh đất và xây dựng được ngôi nhà. Nay vì nhiều lý do, 2 vợ chồng không sống được nên quyết định thuận tình ly hôn. Vậy, nếu khi ly hôn tôi có được chia tài sản không?

Luật sư tư vấn:

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

…”

Khoản 1 Điều 29 Luật này quy định nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng:

“Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

…”

Như vậy, với quy định nói trên, dù người vợ chỉ ở nhà nội trợ cũng được xác định là lao động có thu nhập và họ có quyền bình đẳng trong việc sở hữu tài sản chung của vợ chồng.

Trường hợp vợ chồng bạn ly hôn thì nguyên tắc chia tài sản ly hôn sẽ được tuân theo sự thỏa thuận của các bên. Nếu hai bên không thỏa thuận về việc chia tài sản và có yêu cầu thì tòa án sẽ chia theo luật định theo khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Như vậy, dù bạn chỉ là nội trợ ở nhà nhưng tài sản của 2 vợ chồng bạn hình thành trong thời kì hôn nhân sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Khi bạn ly hôn, Tòa án vẫn tiến hành chia tài sản chung theo nguyên tắc trên.

7. Nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn

Tóm tắt câu hỏi: Chào Luật sư! Anh trai em muốn ly hôn. Vì vợ ngoại tình đẻ hai đứa con, nhưng cả hai đứa đều không phải con của anh em. Giờ có một mảnh đất đứng tên cả hai vợ chồng nhưng anh trai em không muốn chia. Vì đấy là số tiền mà anh em kiếm ra và với lại anh em đã nuôi hai đứa con kia 4 năm. Cho em hỏi giờ anh trai em phải làm thế nào? Cảm ơn Luật sư!

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình thì tài sản do vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản mà chung hợp nhất của vợ chồng, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân; được tặng cho, thừa kế riêng,.

Đối với tài sản chung của vợ chồng, Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn như sau:

– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

– Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Như vậy, theo quy định trên, anh trai bạn muốn ly hôn, trong thời kỳ hôn nhân, anh trai bạn có mua mảnh đất đứng tên của cả hai vợ chồng, mặc dù đó là tiền anh trai bạn kiếm ra nhưng nếu không có sự thỏa thuận khác giữa vợ chồng anh trai bạn, thì đó vẫn xác định là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; vì vậy, về nguyên tắc, khi ly hôn, việc chia miếng đất này sẽ thực hiện theo sự thỏa thuận giữa vợ chồng anh trai bạn; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ chia cho hai bên, nhưng có tính đến yếu tố:

+ Hoàn cảnh vợ/ chồng

+ Công sức đóng góp của mỗi bên trong tạo lập, duy trì tài sản chung

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập

+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Luật sư tư vấn chia tài sản sau khi ly hôn

8. Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình

Tóm tắt câu hỏi: E hỏi: hiện nay e đang xây nhà trên đất của bố mẹ chồng, chưa tách bìa.e đã bỏ khoản tiền nhiều hơn chồng. Vậy e muốn ly hôn chồng thì số tiền e bỏ gấp đôi so với chồng thì tòa sẽ chia tài sản như thế nào. Luật sư giải đáp giúp e?

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Điều 61 Luật hôn nhân gia đình 2014 trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình như sau:

“Điều 61. Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình

1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”

Theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân gia đình 2014 về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn:

“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

… “

Đồng thời, theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP:

“1. Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:

a) Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn;

b) Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

2. Khi giải quyết ly hôn nếu có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu thì Tòa án xem xét, giải quyết đồng thời với yêu cầu chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

3. Khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba mà họ có yêu cầu giải quyết thì Tòa án phải giải quyết khi chia tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có nghĩa vụ với người thứ ba mà người thứ ba không yêu cầu giải quyết thì Tòa án hướng dẫn họ để giải quyết bằng vụ án khác.

…”.

Như vậy, căn nhà mà bạn và chồng bạn xây trong thời kỳ hôn nhân nếu bạn muốn ly hôn và chia tài sản này thì trước tiên bạn cần thỏa thuận với chồng bạn, gia đình chồng bạn để có thể tiến hành chia số tài sản này, nếu thỏa thuận được các bên lập thành văn bản sau đó yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận đó có hiệu lực. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án áp dụng nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng theo pháp luật, thông thường số tài sản này sẽ được chia đôi nhưng vẫn tính đến yếu tố hoàn cảnh của hai vợ chồng, công sức đóng góp của vợ chồng, lỗi của mỗi bên vi phạm…bạn chứng minh được bạn cố công sức tạo lập, đóng góp và duy trì khối tài sản này hơn người chồng của mình thì sẽ được Tòa án xem xét. Do căn nhà này được xây trên đất của bố mẹ chồng bạn nên sẽ khó có thể chia tách rời được nên Tòa án có thể chia theo giá trị của căn nhà để chia.

Nếu bạn có thắc mắc gì cần luật sư tư vấn thêm, vui lòng liên hệ số hotline: 0908 648 179 để luật sư hỗ trợ thêm (Miễn phí).
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật sư tại Bình Dương
Công ty Luật BIGBOSS LAW
số 25 Đường GS1, Kp. Tây B, P. Đông Hòa, Tp. Dĩ An, T. Bình Dương
SĐT: 0908 648 179 – Email: Luatsuluat@gmail.com
Xin chúc sức khỏe và thành đạt !

Người đăng: Sang Lee

Liên hệ ngay:
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận