Hiện nay, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động (CSCĐ) bị hạn chế do một số quy định chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Một số nhiệm vụ quy định mới chỉ dừng lại ở mức nguyên tắc, chưa cụ thể, tản mạn trong nhiều luật chuyên ngành dẫn đến tình trạng khó theo dõi, khó thực hiện.
Những nội dung mới của dự thảo Luật Cảnh sát cơ động
Vì vậy, cần phải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ bằng văn bản luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc hơn, phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xã hội hiện nay.
Nhiều quy định bất cập, chưa cụ thể, tản mạn
Theo Điều 7 Pháp lệnh CSCĐ, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ bao gồm: Quyền huy động người, phương tiện; trưng dụng tài sản phục vụ hoạt động của CSCĐ; quyền yêu cầu các cơ quan cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, CSCĐ là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, việc thực hiện biện pháp vũ trang với đặc trưng sử dụng sức mạnh, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của đối tượng bị áp dụng.
Như vậy, có thể nhận thấy, nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ và việc thực hiện các biện pháp công tác của CSCĐ có tác động, liên quan trực tiếp tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Đồng thời, trong Pháp lệnh chưa quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ CSCĐ, quyền hạn của Tư lệnh CSCĐ và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
CBCS Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động diễn tập phương án xử lý tình huống tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, bạo loạn. Ảnh: Chiến Thắng.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua Quốc hội ban hành nhiều luật có nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ đặt ra tính nguyên tắc, quy định chung, chưa có những quy định cụ thể phù hợp với đặc thù của CSCĐ.
Cụ thể, Luật An ninh quốc gia năm 2004 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An ninh quốc gia quy định áp dụng một số biện pháp cần thiết khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp như: Tăng cường bảo vệ các mục tiêu quan trọng; cấm, giải tán hoặc hạn chế các cuộc tụ tập đông người và những hoạt động của cá nhân, tổ chức xét thấy có hại cho an ninh quốc gia. Các nhiệm vụ này hiện đang được giao cho CSCĐ thực hiện, nhưng tại Luật chưa xác định CSCĐ là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia.
Luật CAND năm 2018 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành không quy định CSCĐ là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trong khi đó biện pháp vũ trang với đặc trưng sử dụng sức mạnh, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của đối tượng bị áp dụng.
Đồng thời, nhiều nhiệm vụ và quyền hạn của CSCĐ như: Chống bạo loạn vũ trang, khủng bố, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, tham gia đấu tranh triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức… là những nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến an ninh, trật tự của đất nước và có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân.
Tại Điều 23 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mới chỉ quy định các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự là những trường hợp nổ súng độc lập. Tuy nhiên, lực lượng CSCĐ là lực lượng chiến đấu tập trung, khi ra quân làm nhiệm vụ sử dụng quân số rất lớn và được sử dụng nhiều loại vũ khí quân dụng ở các quy mô, phạm vi, mức độ khác nhau.
Với đặc thù là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, ngoài các trường hợp được nổ súng theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì tương tự như một số lực lượng vũ trang khác (Cảnh sát biển, Dân quân tự vệ, Cảnh vệ…), cần phải có quy định cụ thể hơn cho các trường hợp được nổ súng trong khi thực thi nhiệm vụ có tổ chức theo đội hình chiến đấu của CSCĐ để phù hợp hơn với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của CSCĐ.
Điều 40 Luật Phòng, chống khủng bố quy định trách nhiệm của Bộ Công an phân công, bảo đảm trang bị cho lực lượng chống khủng bố trong CAND và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các chương III, IV và V của Luật Phòng, chống khủng bố. Trong khi đó, Bộ Công an giao nhiệm vụ chống khủng bố cho lực lượng CSCĐ thực hiện.
Cần thiết xây dựng văn bản luật
Từ những vấn đề nêu trên dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ bị hạn chế do một số quy định chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013, một số nhiệm vụ quy định mới chỉ dừng lại ở mức nguyên tắc, chưa cụ thể, tản mạn trong nhiều luật chuyên ngành dẫn đến tình trạng khó theo dõi, khó thực hiện. Do đó, để CSCĐ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của mình thì cần phải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ bằng văn bản luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc hơn.
Mặt khác, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ cũng để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xã hội hiện nay.
Theo đó, dự thảo Luật CSCĐ đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ theo hướng tách nhiệm vụ và quyền hạn của CSCĐ thành 2 điều, bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ để đảm bảo đầy đủ hơn nữa những nhiệm vụ, quyền hạn mà CSCĐ đang thực hiện. Cụ thể, bổ sung thêm nhiệm vụ tham gia phối hợp với các lực lượng trong CAND đấu tranh triệt phá các chuyên án có tính chất phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác của CSCĐ.
Bổ sung thêm quyền hạn được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay, tàu thủy trong trường hợp tác chiến theo chức năng, nhiệm vụ của CSCĐ; ngăn chặn, vô hiệu hóa các phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác và các mục tiêu bảo vệ; các quyền hạn khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và luật khác có liên quan. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ; quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Người đăng: Sang Lee