Trong cuộc sống hôn nhân, việc nảy sinh những cãi vã, xung đột là điều khó tránh khỏi, nhưng khi mâu thuẫn đã đến đỉnh điểm và không còn cách nào để hòa giải thì lúc này ly hôn có thể sẽ là sự lựa chọn phù hợp để giải thoát cho cả hai người khỏi sự ràng buộc của mối quan hệ đã tan vỡ. Trên thực tế, có rất nhiều lý do, nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc ly hôn, tuy nhiên không phải nguyên nhân nào cũng sẽ được Tòa án chấp nhận để giải quyết ly hôn. Cách trình bày nguyên nhân ly hôn hợp pháp như thế nào sẽ được trình bày trong bài viết này.
1. Ly hôn là gì? Nguyên nhân ly hôn phổ biến
Dưới góc độ xã hội, ly hôn có thể được hiểu là một hình thức nhằm chấm dứt mối quan hệ vợ chồng một cách hợp pháp khi giữa vợ chồng đã có những mâu thuẫn sâu sắc và không còn mong muốn chung sống với nhau. Ly hôn được coi là tất yếu, khách quan khi hôn nhân tan vỡ, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích của hôn nhân không đạt được. Lúc này tòa án có thể căn cứ vào tình trạng của hôn nhân, mức độ trầm trọng của mối quan hệ để có thể ra phán quyết.
Dưới góc độ pháp lý, ly hôn được định nghĩa tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Theo khái niệm này, ly hôn được phản ánh qua “việc chấm dứt quan hệ vợ chồng” nghĩa là giữa hai bên vợ chồng không còn tồn tại quan hệ hôn nhân, khi đó mọi quyền và nghĩa vụ của hai bên sẽ được pháp luật giải quyết một cách công bằng, thỏa đáng, hợp tình hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.
Thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn giữa các cặp vợ, chồng, có thể kể đến một số các nguyên nhân phổ biến và thường gặp giữa các cặp vợ chồng tại Việt Nam đó là:
- Bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là một hiện tượng không hề hiếm gặp ở Việt Nam và cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn. Đa số nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ bởi họ thường là bên yếu thế hơn trong xã hội. Không chỉ bị bạo hành về mặt thể chất, nhiều người còn bị bạo hành về mặt tinh thần như bị chồng chửi mắng, coi thường, hắt hủi… Trong quá khứ khi xã hội còn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi phong tục Á Đông, những người phụ nữ ấy thường cam chịu để gia đình đoàn tụ, con cái có cha có mẹ. Tuy nhiên khi xã hội ngày phát triển và ý thức về bình đẳng giới, hạnh phúc, tự do được mọi người quan tâm chú trọng hơn, thì người phụ nữ sẽ có xu hướng chọn cách ly hôn trong trường hợp này để bảo vệ chính bản thân họ và con cái họ.
- Ngoại tình
Trong tình yêu, sự chung thủy là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì mối quan hệ, do đó khi phát hiện ra người kia ngoại tình thì hôn nhân tan vỡ là điều chắc chắn xảy ra bởi chẳng ai muốn tiếp tục sống với người đã cam tâm lừa dối, phản bội mình. Do đó một khi vợ/chồng không còn chung thủy với nhau nữa, đa phần họ đã lường thấy được hậu quả đối với gia đình mình. Đây không chỉ là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ly hôn mà còn là hiện tượng đáng lên án trong xã hội hiện nay.
- Áp lực tài chính
Lúc mới yêu, các cặp đôi thường có xu hướng quan trọng tình cảm hơn những yếu tố khác, họ nhìn cuộc sống bằng lăng kính màu hồng cho đến khi bước vào cuộc sống hôn nhân và bắt đầu có con cái, lúc này cả hai đều phải đối mặt với hiện thực của cuộc sống với bao lo toan về cơm áo gạo tiền. Khi đó, đại đa số các cặp vợ chồng đều bắt đầu nhận ra hiểu yếu tố tài chính gia đình có vai trò rất lớn trong các cuộc hôn nhân. Đối với một số cặp vợ chồng có thu nhập không đều đặn hoặc thu nhập không đủ cao để trang trải các nhu cầu thiết yếu của gia đình sẽ rất dễ làm cho đời sống tình cảm vợ chồng bị chi phối bởi tiền bạc và dễ xảy ra xích mích nếu không thống nhất được kế hoạch chi tiêu chung cho gia đình. Thường thì những khó khăn về tài chính trong cuộc sống là điều khó tránh, nhưng tại thời điểm sóng gió đấy nếu vợ chồng không cố gắng, không biết động viên nhau, thì cuộc sống gia đình sẽ khó yên ổn, từ những xích mích nhỏ đến các xung đột lớn và dần dần khiến hai người chọn cách ly hôn là điều dễ hiểu.
- Chưa sẵn sàng khi bước vào hôn nhân
Nhiều cặp vợ chồng khi đòi ly hôn trên tòa thường đưa ra lý do rất chung chung là ‘không hợp nhau’. Điều này một phần do cả hai vẫn còn quá trẻ hoặc chưa trang bị đủ kiến thức về cuộc sống gia đình mà đã vội vàng tiến đến hôn nhân. Do thiếu kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc con cái, cuộc sống cả hai bắt đầu bị đảo lộn, vợ chồng đùn đẩy nhau từ những việc nhỏ như nấu ăn, rửa bát, đón con… Lời qua tiếng lại đổ lỗi cho nhau diễn ra thường xuyên, dần dần hủy hoại cuộc sống hôn nhân của hai người. Mâu thuẫn cứ kéo dài theo năm tháng đến một lúc cả hai đều cảm thấy quá mệt mỏi và quyết định rời bỏ nhau.
- Xung đột với bố mẹ hai bên
Bên cạnh mâu thuẫn vợ chồng, thì mâu thuẫn giữa vợ/chồng với bố mẹ hoặc họ hàng hai bên cũng là một trong những nguyên do phổ biến dẫn đến ly hôn. Không ít cặp vợ chồng phải chọn cách ly hôn nhau vì những mâu thuẫn từ ‘bên ngoài’, chứ không phải mâu thuẫn giữa họ. Đôi khi do khoảng cách thế hệ dẫn đến khác biệt trong quan điểm, lối sống giữa con cái và bố mẹ, vợ chồng không thể tìm được tiếng nói chung, mâu thuẫn gia đình cứ thế trở nên gay gắt giữa các thành viên… lúc này áp lực từ nhiều phía sẽ khiến cuộc hôn nhân đứng trên bờ vực đổ vỡ.
- Vợ chồng không cảm thông công việc của nhau
Trước khi kết hôn và chung sống với nhau, các cặp đôi thường không quá quan trọng về nghề nghiệp của người vợ/chồng tương lai. Nhưng khi đã lập gia đình cùng nhau thì đó lại là vấn đề không hề nhỏ. Ví dụ như người vợ làm bác sĩ còn chồng thường xuyên phải đi công tác xa nhà, vợ thường xuyên phải đi sớm về khuya, trực qua đêm, còn chồng thì vắng nhà lâu ngày, khác biệt về giờ giấc, tính chất công việc cũng như thiếu đi sự giao tiếp giữa hai bên… thường dẫn đến sự không hài lòng, thậm chí bức xúc, ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Khi không có sự cảm thông cho nhau, thì khác biệt nghề nghiệp sẽ dẫn đến việc cả hai thường xuyên tranh cãi và chọn ly hôn làm cách giải quyết.
2. Lý do ly hôn được Tòa án chấp nhận
Đối với trường hợp thuận tình ly hôn
Căn cứ Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Tòa án có trách nhiệm vận động, kịp thời hòa giải mâu thuẫn trong gia đình giúp các đương sự. Nên khi có yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn thì Tòa án phải làm rõ xem tính thật giả, tính chính xác, và tính đúng đắn của yêu cầu này trước khi công nhận nó. Đây chính là lý do khi yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn người yêu cầu vẫn phải trình bày lý do ly hôn theo đúng căn cứ để được Tòa án chấp nhận.
Bên cạnh đó theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Đối với trường hợp đơn phương ly hôn
Theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Căn cứ theo quy định trên, các lý do ly hôn hợp pháp được Tòa án chấp nhận có thể kể đến là:
- Vợ, chồng có hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quyền, nghĩa vụ của vợ chồng như: Không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ hoặc chồng. Không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Vợ, chồng không yêu thương, quý trọng, chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau.
- Vợ, chồng thường xuyên có những hành vi bạo hành, ngược đãi, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia. Đây cũng là một trong những hành vi bị cấm tại điểm h khoản 2, và khoản 4 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
- Vợ, chồng không chung thủy với nhau, ngoại tình. Về mặt pháp luật, ngoại tình là hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ yêu thương, chung thủy của tình nghĩa vợ, chồng nêu tại khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Đây cũng là một trong những hành vi bị cấm tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Do đó, ngoại tình không chỉ là nguyên nhân để Tòa án giải quyết ly hôn cho vợ, chồng mà người ngoại tình còn có thể gặp bất lợi trong việc chia tài sản chung vợ, chồng, giành quyền nuôi con.
Những hành vi nêu trên làm cho hôn nhân rơi vào tình trạng đổ vỡ, mặc dù đã hòa giải, được người thân giúp đỡ hàn gắn nhưng hai vợ chồng không thể khắc phục tình trạng nêu trên, nếu còn tiếp tục cuộc sống hôn nhân thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các con thì tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của mối quan hệ mà Tòa án sẽ xem xét, đánh giá về mức độ trầm trọng, làm căn cứ để giải quyết ly hôn.