Khi ly hôn, hầu hết các vụ việc sẽ yêu cầu giải quyết cả quan hệ nhân thân và tài sản. Trong quan hệ tài sản, vợ chồng yêu cầu phân chia tài sản chung và tài sản riêng. Một trong số đó là có liên quan đến cổ đông trong công ty cổ phần nếu tranh chấp liên quan đến vợ, chồng là cổ đồng của công ty cổ phần. Vậy tranh chấp tài sản là cổ phần sau ly hôn sẽ được giải quyết như thế nào?
1. Quy định của pháp luật doanh nghiệp về cổ phần
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có vị trí và vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Loại hình doanh nghiệp này được đánh giá cao về khả năng huy động vốn. Đặc trưng của công ty cổ phần là vốn điều lệ của công ty.
Vốn điều lệ của công ty cổ phần:
Vốn của công ty cổ phần được quy định tại khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
“Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.”
Vốn điều lệ công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Về mặt pháp lý, cổ phần chính là căn cứ cho phần vốn góp của các thành viên và căn cứ xác định tư cách cổ đông của công ty. Cổ phiếu do công ty cổ phần phát hành chính là minh chứng chứng nhận sở hữu của công ty cổ phần xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
Khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020: “Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó”.
Cổ phần được xem là một loại tài sản:
Tại khoản 1 Điều 4 trong Luật chứng khoán 2019 có quy định về các loại chứng khoán:
Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
“a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định”.
Ngoài ra, đối với các công ty cổ phần muốn huy động một lượng vốn lớn, sẽ tiến hành phát hành cổ phần các loại. Trong pháp luật chứng khoán, cổ phiếu được coi như một loại chứng khoán. Do đó, nó là một loại tài sản. Cổ phần có thể mua bán, chuyển nhượng, thông qua việc mua bán chuyển nhượng này để tạo và làm tăng vốn. Những nhà đầu tư, hay nói cách khác là người mua cổ phần của công ty chính là cổ đông của công ty.
Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành. Phần chênh lệch giữa tổng doanh thu bán được trừ thuế và các chi phí được gọi là lợi nhuận ròng, là tiền lãi của công ty. Tiền lãi này trong Luật doanh nghiệp 2020 gọi là cổ tức.
Phân loại cổ phần:
Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các loại cổ phần:
“Trong công ty cổ phần bắt buộc phải có cổ phần phổ thông. Ngoài ra, công ty còn có thể có cổ phần ưu đãi.
Cổ phần ưu đãi gồm có các loại:
a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;
b) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
c) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
d) Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán”.
2. Tranh chấp cổ phần sau ly hôn
Ly hôn là sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ vợ và chồng bằng bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Ngoài giải quyết quan hệ hôn nhân thì các bên phải giải quyết các vấn đề về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.
Như đã đề cập ở trên, cổ phần được xem như một loại tài sản. Do đó, tranh chấp cổ phần sau khi ly hôn là việc mà các bên đã tiến hành giải quyết quan hệ nhân thân nhưng chưa giải quyết quan hệ tài sản.
Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, khoảng thời gian được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng. Khoảng thời gian đó được xem là thời kỳ hôn nhân theo quy định Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Trong thời kỳ này, pháp luật về hôn nhân không chỉ điều chỉnh về quan hệ nhân nhân như con cái, nuôi dưỡng,… mà còn điều chỉnh quan hệ tài sản như tài sản riêng, tài sản chung của vợ và chồng,… Vì vậy, xác định tài sản khi ly hôn, cần phải xác định cổ phần và lợi nhuận là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của họ.
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này”.
Khi xác định người sở hữu cổ phần, cần căn cứ vào thời điểm sở hữu cổ phần và cách thức sở hữu cổ phần đó. Từ các quy định trên, xác định như sau:
– Sở hữu cổ phần trước khi kết hôn: Nếu việc sở hữu cổ phần có căn cứ xác định tài sản riêng thì đó là tài sản riêng. Tuy nhiên, phần lợi nhuận từ cổ phần (cổ tức) trong thời kỳ hôn nhân thuộc tài sản chung vì có công sức đóng góp để khối tài sản phát sinh lợi nhuận thuộc tài sản chung đó (trừ trường hợp các bên không có thỏa thuận khác).
– Sở hữu cổ phần sau khi kết hôn: Việc sở hữu cổ phần từ khối tài sản chung được xem là tài sản chung của vợ, chồng. Cổ tức sinh lợi từ đó cũng được xem là tài sản chung.
3. Giải quyết tranh chấp cổ phần sau ly hôn
– Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:
Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: Tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung hợp nhất có thể phân chia. Việc giải quyết chế độ tài sản của vợ chồng ưu tiên cho các bên tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết.
Tài sản riêng thuộc sở hữu của ai thì người đó là chủ sở hữu, trừ khi tài sản riêng được sát nhập vào tài sản chung. Nếu cổ phần thuộc tài sản riêng của một người, cổ phần đó sẽ thuộc tài sản riêng của người đó. Cổ tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân sẽ thuộc sở hữu chung, bởi lẽ phải tính đến công sức đóng góp trong việc tạo ra cổ tức, quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.
– Tranh chấp giữa các thành viên trong công ty:
+ Trường hợp cả vợ và chồng đều là cổ đông của công ty: Đây là tranh chấp giữa các cổ đông của công ty theo khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Họ có thể giải quyết tranh chấp bằng một số phương thức:
- Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng;
- Giải quyết tranh chấp bằng hòa giải;
- Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án;
- Trung tâm trọng tài.
+ Trường hợp chỉ có một người (vợ hoặc chồng) là cổ đông của công ty: Nếu Điều lệ công ty và quy định của pháp luật cho phép các bên có thể chuyển nhượng cổ phần thì họ có thể chuyển nhượng cổ phần cho người còn lại. Tuy nhiên, do tính chất không thể chuyển nhượng hoặc việc chuyển nhượng bị hạn chế của một số loại cổ phần thì người này có thể trả phần giá trị đối với cổ phần mà bên kia được hưởng.
4. Thủ tục giải quyết tranh chấp cổ phần sau ly hôn
Tranh chấp cổ phần sau ly hôn được xem như tranh chấp tài sản sau ly hôn của vợ và chồng. Vì vậy, pháp luật dân sự vẫn ưu tiên cho các bên thỏa thuận. Khi các bên không thể tự thỏa thuận thì các bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án được tiến hành theo trình tự, thủ tục sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm đơn khởi kiện; chứng cứ kèm theo. Đương sự nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Bước 2: Nộp tiền tạm ứng án phí
Nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán thông báo cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí nếu họ thuộc trường hợp phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 3. Tòa án thụ lý vụ án
Người khởi kiện thực hiện nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí để được Tòa án thụ lý giải quyết vụ án.
Bước 4. Tòa án giải quyết tranh chấp vụ án