Sàn giao dịch thương mại điện tử là gì? Tại sao nên thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử? Thủ tục đăng ký thiết lập sàn giao dịch thương mại điện tử? Những lưu ý khi thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử?
Ngày nay, với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ hóa mà việc trao đổi, mua bán, tìm hiểu tất cả các thông tin của hàng hóa, dịch vụ rất dễ dàng thông qua các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được tạo bởi những thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Với xu thế phát triển trong việc kinh doanh, giao lưu, mua bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thì hiện nay các doanh nghiệp cũng đã và đang thiết lập các website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trong đó có sàn giao dịch thương mại điện tử. Ở Việt Nam có thể kể đến một số website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nổi tiếng như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki…
1. Sàn giao dịch thương mại điện tử là gì?
Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Hay nói cách khác, sàn giao dịch thương mại điện tử là nơi diễn ra các hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến của nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau trên cùng một website.
2. Tại sao nên thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử?
– Trước tiên, cần phân biệt giữa website thương mại điện tử bán hàng và sàn giao dịch thương mại điện tử:
+ Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Quy mô của website thương mại điện tử bán hàng thông thường cũng chỉ chuyên để bán một hoặc một số loại sản phẩm nhất định do chính doanh nghiệp thiết lập website bán và cung cấp dịch vụ.
+ Sàn giao dịch thương mại điện tử là website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. Thông thường quy mô của sàn giao dịch cũng lớn hơn và chính sách giao dịch, quy chế hoạt động cũng sẽ phức tạp và chặt chẽ hơn.
-Từ đó, có thể thấy khách hàng nên lựa chọn thành lập sàn thương mại điện tử bởi những lý do sau:
+ Việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử giúp tiếp cận với một lượng lớn khách hàng;
+ Chính sách trợ phí vận chuyển của các sàn giao dịch thương mại điện tử là một trong những điều thu hút người mua hiện nay. Điều này giúp gia tăng doanh thu từ các sàn thương mại điện tử;
+ Các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp từ việc đăng ký gian hàng nhanh chóng và dễ dàng.
3. Thủ tục đăng ký thiết lập sàn giao dịch thương mại điện tử
– Để thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử thì phải xin Giấy phép sàn thương mại điện tử. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
+ Đơn đăng ký cấp Giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử.
+ Quyết định thành lập đối với tổ chức hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đối với thương nhân (Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu).
+ Đề án cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong đó nêu rõ các nội dung sau: Mô hình tổ chức hoạt động bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
+ Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.
+ Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó.
+ Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).
– Thẩm quyền cấp đăng ký Giấy phép sàn thương mại điện tử:
+ Cơ quan có thẩm quyền quyết địng: Bộ Công Thương.
+ Cơ quan được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện: Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin.
4. Những lưu ý khi thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử
– Thứ nhất, về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Căn cứ Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP như sau:
“Điều 4. Trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
1. Tuân thủ các quy định tại Điều 36 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.
2. Yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp các thông tin theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 29 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
3. Ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật và hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
4. Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.
5. Yêu cầu người bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên website của mình phải cung cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó (trong trường hợp pháp luật quy định phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh).”
– Thứ hai, về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Theo quy định tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP như sau:
“Điều 37. Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử
1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
2. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
3. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
4. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
5. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.
6. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
7. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.”
– Bên cạnh đó, khi thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử, không ít những thương nhân, tổ chức cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử và cả người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử đã vi phạm pháp luật về hành vi buôn bán hàng giả. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị của số lượng của hàng thật tương đương với hàng giả.
Đồng thời, điểm b Khoản 3 Điều 63 Nghị định 98/2020/NĐ-CP cũng quy đinh hành vi cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Như vậy, việc thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử đem lại rất nhiều lợi ích cho các thương nhân. Tuy nhiên, khách hàng cần phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử để tránh những rủi ro không đáng có.
Người đăng: Yến Linh