Khái quát về Ngành công nghệ thông tin? Thủ tục thành lập công ty công nghệ thông tin?
Ngành công nghệ thông tin là ngành rất phát triển ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu, đây cũng là lĩnh vực mà nhà nước khuyến khích phát triển với nhiều chính sách ưu đãi. Vì vậy việc thành lập công ty công nghệ thông tin là một hướng đi tất yếu được các cá nhân, tổ chức quan tâm và có ý tưởng đầu tư.
1. Khái quát về Ngành công nghệ thông tin
1.1. Ngành công nghệ thông tin là gì?
Công nghệ thông tin (IT – Information Technology) là một thuật ngữ bao gồm phần mềm, mạng lưới internet, hệ thống máy tính sử dụng cho việc phân phối và xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ và sử dụng thông tin dưới hình thức khác nhau. Đây là việc sử dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, xử lý, truyền dẫn thông tin, lưu trữ, khai thác thông tin.
Hiện nay, ngành Công nghệ thông tin thường phân chia thành 5 chuyên ngành phổ biến, gồm: khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, mạng máy tính truyền thông, kỹ thuật phần mềm. Trong đó, hai ngành đang được ưa chuộng nhất hiện nay và trong tương lai đó là kỹ thuật phần mềm và an toàn thông tin. Vì vậy, khi thành lập công ty công nghệ thông tin cần phải lưu ý các mã ngành nghề theo quy định của pháp luật.
1.2. Công ty công nghệ thông tin chủ yếu kinh doanh những ngành nghề gì?
Dưới đây là những ngành nghề chủ yếu liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Công nghệ thông tin:
– Xuất bản phần mềm (mã ngành 5820);
– Hoạt động viễn thông khác ( mã ngành 6190);
– Lập trình máy vi tính (mã ngành 6201);
– Tư vấn máy vi tính và quản trị hệ thống máy tính (mã ngành 6202);
– Hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính (mã ngành 6209);
– Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan (mã ngành 6311);
– Cổng thông tin (mã ngành 6312);
– Dịch vụ thông tin khác chưa được phân vào đâu (mã ngành 6329);
– Quảng cáo (mã ngành 7310).
1.3. Những lưu ý khi thành lập công ty công nghệ thông tin?
– Lĩnh vực kinh doanh về công nghệ thông tin có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện (doanh nghiệp chỉ được hoạt động kinh doanh khi đáp ứng được đầy đủ điều kiện của pháp luật). Do đó, với những ngành nghề kinh doanh này, khi muốn hoạt động ngoài việc có tên trong danh sách ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp cần phải xin giấy phép con do cơ quan quản lý chuyên ngành cấp mới đủ điều kiện kinh doanh.
– Đăng ký sáng chế hoặc giải pháp hữu ích: Ngoài các thủ tục liên quan đến pháp luật, thông thường, các công ty công nghệ thông tin sẽ có thể có rất nhiều những bằng sáng chế hoặc các tài sản trí tuệ cần được công nhận.
2. Thủ tục thành lập công ty công nghệ thông tin
2.1. Hồ sơ chuẩn bị khi thực hiện thủ tục thành lập công ty công nghệ thông tin
– Giấy đề nghị thành lập công ty công nghệ thông tin theo mẫu;
– Danh sách thành viên góp vốn (Công ty TNHH 2 thành viên trở lên);
– Danh sách cổ đông (Công ty Cổ phần);
– Điều lệ công ty công nghệ thông tin;
– Bản sao giấy tờ cá nhân của chủ sở hữu/cổ đông/thành viên góp vốn;
– Quyết định góp vốn thành lập công ty (áp dụng thành viên/cổ đông góp vốn là pháp nhân);
– Văn bản ủy quyền (trường hợp chủ sở hữu/đại diện theo pháp luật không trực tiếp thực hiện).
2.2. Thủ tục thành lập công ty công nghệ thông tin
Bước 1:Chuẩn bị hồ sơ (nêu trên)
Bước 2: Nộp hồ sơ
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
– Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh.
(Lưu ý: Đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng)
Bước 3: Nhận kết quả
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ.
Căn cứ pháp lý:
– Luật doanh nghiệp 2020;
– Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.
Người đăng: Yến Linh