Đất đai là tài sản có giá trị vật chất tương đối lớn nên tranh chấp liên quan đến loại tài sản này cũng thường diễn ra khá nhiều trong cuộc sống. Đây cũng là một trong những tranh chấp rất khó để hòa giải thành công, do đó các bên thường chọn cách khởi kiện lên tòa án. Hiện nay một số người có thể vẫn chưa nắm được thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai do đó bài viết dưới đây sẽ trình bày quy định pháp luật về thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai nhằm cung cấp thông tin cho quý độc giả.
1. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai là gì?
Căn cứ Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015, khái niệm thời hiệu được quy định như sau:
“Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.”
Có thể hiểu đơn giản thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án tranh chấp đất đai bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
2. Khi nào áp dụng thời hiệu khởi kiện tranh chấp đất đai ?
- Đối với trường hợp tranh chấp quyền sử dụng đất
Theo khoản 3 Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện sẽ không được áp dụng đối với các tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất. Hiểu đơn giản, dù cho tranh chấp đã xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ thì pháp luật vẫn cho phép các bên khởi kiện để xác định lại người có quyền sử dụng đất.
- Đối với trường hợp tranh chấp khác liên quan đến đất đai
Ở đây, cần phân biệt rõ giữa tranh chấp đất đai với tranh chấp liên quan đến đất đai. Theo đó, nếu các đương sự xảy ra tranh chấp với nhau về thừa kế quyền sử dụng đất hoặc chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất; hay tranh chấp về việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì những tranh chấp này được hiểu là những tranh chấp có liên quan đến đất đai.
Căn cứ Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015, đối với tranh chấp đất đai phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng đất, hợp đồng thuê đất,… thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp giữa các bên là 03 năm, tính từ ngày người khởi kiện biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Căn cứ theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015, đối với tranh chấp đất đai liên quan đến quyền thừa kế thì thời hiệu để yêu cầu Tòa án chia thừa kế là 30 năm, thời hiệu để yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, tính từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
“1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;
2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:
a) Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
b) Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.”
4. Trình tự thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai
Bước 1: Tiến hành hòa giải ở cơ sở
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013 khi các bên xảy ra tranh chấp về đất đai thì:
“Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.”
UBND cấp xã, phường, thị trấn nơi có đất đang tranh chấp có trách nhiệm thực hiện hòa giải tranh chấp về đất đai giữa các bên tại địa phương mình. Nếu sau hòa giải mà một trong các bên vẫn không đồng ý với nội dung hòa giải thì có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện lên Tòa án
– Về địa điểm nộp hồ sơ khởi kiện
Căn cứ quy định tại khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 39 trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện sẽ thực hiện việc nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp nếu là tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.
– Về phương thức nộp
Người khởi kiện có thể nộp hồ sơ bằng một trong các phương thức là nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án thông qua các thiết bị điện tử.
Bước 3: Tiếp nhận đơn và thụ lý đơn
Theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Thẩm phán sẽ tiến hành xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:
“- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn (thông thường sẽ thực hiện theo thủ tục thông thường);
– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.”
Theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:
“1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
2. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
4. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.”