1. Thỏa thuận miệng
- Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự( Điều 385 BLDS 2015). Căn cứ vào khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 thì giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
- Thỏa thuận miệng là một dạng hợp đồng được hình thành mà không cần văn bản, khi hai hoặc nhiều bên cùng đồng ý với nhau về các khoản của một giao dịch. Sự đồng thuận này có thể thể hiện bằng lời nói, bằng cử chỉ như cái gật đầu, thậm chí chỉ là một cái nháy mắt đầy ngụ ý.
2. Giá trị pháp lý của thỏa thuận miệng
Các thỏa thuận miệng sẽ có giá trị pháp lý nếu như đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại điều 117 Bộ luật Dân sự 2015:
- Thứ nhất, chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập. Nghĩa là chủ thể khi thực hiện thỏa thuận miệng phải đủ tỉnh táo, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự và tự chịu trách nhiệm về hành vi đó.
- Thứ hai, chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện. Nghĩa là các bên tham gia phải hoàn toàn tự do về ý chí, không bị ép buộc, lừa dối hay đe dọa khi xác lập giao dịch (Điều 3 BLDS 2015). Nếu một bên tham gia giao dịch không tự nguyện mà bị đe dọa, cưỡng ép, hiểu nhầm,… thì giao dịch đó có thể bị tuyên vô hiệu theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn như, B (cha của A) ký giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho A bởi vì A đe dọa nếu B không ký vào giấy thì A sẽ không tiếp tục nuôi dưỡng B nữa. Đây được xem là một giao dịch dân sự vô hiệu do bị đe dọa.
- Thứ ba, mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. “Điều cấm của luật” là những quy định mà pháp luật nghiêm cấm không thực hiện tuy nhiên trong giao dịch dân sự lại có chứa những đối tượng này thì giao dịch sẽ bị vô hiệu theo pháp luật. “Trái đạo đức xã hội” là những hành vi tuy không được pháp luật nghiêm cấm rõ ràng nhưng lại trái với những quy tắc, chuẩn mực, thuần phong mỹ tục của xã hội thì trong giao dịch dân sự cũng không được phép chứa các đối tượng này. Ví dụ như, thỏa thuận sống chung như vợ chồng để đối lấy tiền đây là hành vi trái đạo đức xã hội sẽ bị tuyên bố vô hiệu nếu có tranh chấp về tài sản.
Mặc dù, thỏa thuận miệng cũng được xem là một phương thức để xác lập nên giao dịch dân sự. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại hợp đồng hay giao dịch nào cũng có thể xác lập bằng thỏa thuận miệng được. Sau đây là những trường hợp bắt buộc phải lập thành văn bản:
- Giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất (Điều 502 BLDS).
- Hợp đồng tặng cho là tài sản là bất động sản (Khoản 1 Điều 459 BLDS 2015).
- Hợp đồng vay có giá trị lớn theo quy định nội bộ hoặc yêu cầu của bên cho vay. Hình thức miệng chỉ thường được áp dụng đối với những trường hợp số lượng tài sản cho vay không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp thì bên cho vay phải chứng minh được mình đã cho bên vay vay một số tiền hoặc một số tài sản nhất định. Điều này sẽ rất khó để xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên để làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp. Chính vì vậy, đối với những hợp đồng vay có giá trị lớn thì chủ thể nên lập thành văn bản để có cơ sở pháp lý an toàn bảo vệ quyền lợi pháp lý của chính mình.
3. Những rủi ro tiềm ẩn của thỏa thuận miệng
- Khó chứng minh nếu xảy ra tranh chấp: thỏa thuận miệng thông thường sẽ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn và không được lưu lại bằng tài liệu hay bằng bất cứ thiết bị nào. Vì vậy khi tranh chấp xảy ra, chủ thể khó có được căn cứ chắc chắn để giải quyết được tranh chấp. Gây bất lợi trong quá trình đòi lại quyền lợi tài sản cá nhân của chủ thể tham gia tranh chấp.
- Dễ bị bên kia phủ nhận nội dung giao dịch: khi giữa hai chủ thể thỏa thuận với nhau thông qua lời nói thì việc đối phương phủ nhận nội dung giao dịch nhằm thu lợi nhiều hơn cũng là trường hợp thường xuyên xảy ra. Ví dụ, nhằm mong muốn thu lại số tiền cao hơn số tiền đã cho vay thì người cho vay có thể phủ nhận số tiền đã trả trước đây của bên được cho vay. Cho dù bên được cho vay muốn lập đơn kiện để đòi lại quyền lợi thì cũng không có căn cứ nào để hỗ trợ hình thành bằng chứng cho bên được cho vay.
- Không có chứng cứ để yêu cầu tòa án giải quyết: tương tự như trường hợp trên, nếu chủ thể lập đơn kiện và nộp lên tòa án nhưng không có các bằng chứng chứng minh bên được cho vay đã hoàn thành đúng nghĩa vụ của mình thì tòa án cũng không thể giải quyết cho bên thực hiện đúng nghĩa vụ. Thỏa thuận miệng sẽ rất rủi ro nếu các chủ thể trong giao dịch dân sự không trung thực với nhau hoặc tài sản quá lớn có thể gây thiệt hại lớn.
4. Kết luận
Thỏa thuận miệng sẽ tiện lợi và có giá trị pháp lý nếu đáp ứng các điều kiện của pháp luật, trừ những trường hợp bắt buộc phải lập thành văn bản. Dù được pháp luật thừa nhận, nhưng để tránh rủi ro và bảo vệ quyền lợi, người dân nên ưu tiên lập hợp đồng bằng văn bản trong mọi giao dịch.
5. Tổng đài tư vấn pháp luật
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!