Từ ngày 01/7/2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực chính thức có hiệu lực. Các văn bản pháp luật này đã quy định lại về cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án nhân dân và thẩm quyền xét xử của các cấp Tòa án.
1. Theo quy định mới, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:
- Tòa án nhân dân Tối cao
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tòa án nhân dân khu vực
- Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm Tài chính quốc tế
- Hệ thống Tòa án quân sự, gồm: Tòa án quân sự Trung ương; Tòa án quân sự, quân khu và tương đương; Tòa án quân sự khu vực
Từ 1-7 trên cả nước sẽ có tổng cộng 34 TAND cấp tỉnh (6 TAND TP và 28 TAND tỉnh). Đồng thời, thành lập 355 TAND khu vực tại 34 tỉnh, thành phố.
2. Thẩm quyền của TAND khu vực
Từ ngày 01/7/2025, với hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15 về việc thành lập Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực, thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực đã được mở rộng đáng kể. Theo đó, Tòa án nhân dân khu vực không chỉ kế thừa quyền hạn của các Tòa án nhân dân cấp huyện trước đây mà còn được giao thêm thẩm quyền giải quyết một số vụ án/vụ việc vốn thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trước khi sáp nhập.
Cụ thể, căn cứ Điều 3 Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15, các Tòa án nhân dân khu vực thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các luật tố tụng hiện hành. Điều này bao gồm:
Xét xử sơ thẩm các vụ án, vụ việc: Tòa án nhân dân khu vực sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với mô hình tổ chức Tòa án mới).
Ví dụ: Trước đây, một số tranh chấp dân sự có giá trị tài sản lớn hoặc tính chất phức tạp có thể thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định mới, để phù hợp với việc tinh gọn và phân cấp, các vụ việc này có thể được chuyển giao cho Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm.
Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính: Các Tòa án nhân dân khu vực sẽ tiếp tục thực hiện việc giải quyết các vụ việc liên quan đến vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân: Tương tự như trước đây, Tòa án nhân dân khu vực vẫn có thẩm quyền ban hành các quyết định cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể theo quy định của luật.
Tòa án nhân dân khu vực được mở rộng thẩm quyền, trở thành cấp xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án dân sự và hành chính, đồng thời giải quyết các vụ việc phá sản và tổ chức hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Điều này có nghĩa là, người dân có thể trực tiếp khởi kiện các vụ án dân sự, hành chính tại Tòa án nhân dân khu vực, thay vì phân chia theo thẩm quyền giữa Tòa án cấp huyện và cấp tỉnh như trước đây. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân khu vực sẽ không có thẩm quyền đối với yêu cầu hủy hoặc đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, vốn vẫn thuộc về một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Ngược lại, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ tập trung vào vai trò phúc thẩm, giải quyết các bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực khi có kháng cáo, kháng nghị. Tòa án cấp tỉnh sẽ không còn xét xử sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, giải quyết phá sản hay tổ chức hòa giải, đối thoại như trước. Đáng chú ý, Tòa án nhân dân cấp tỉnh được bổ sung thêm thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực nhưng bị kháng nghị. Đồng thời, Tòa án nhân dân cấp tỉnh vẫn giữ thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo Luật Trọng tài thương mại.
3. Được xét xử các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Tòa án nhân dân khu vực sẽ được trao quyền xét xử sơ thẩm rộng hơn. Cụ thể, Tòa án nhân dân khu vực sẽ xử lý các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Điều này là một sự mở rộng đáng kể so với thẩm quyền hiện hành của Tòa án nhân dân cấp huyện (nay là Tòa án nhân dân khu vực), vốn chỉ xét xử các tội có khung hình phạt cao nhất đến 15 năm tù.
Ngược lại, Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ tập trung xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực. Ngoài ra, Tòa án cấp tỉnh cũng sẽ có thẩm quyền xét xử các vụ án phức tạp, đặc biệt quan trọng, hoặc nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, dù ban đầu có thể thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực. Điều này bao gồm các vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, hoặc vụ án có bị cáo là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh trở lên, người có chức sắc trong tôn giáo, hoặc người có uy tín cao trong dân tộc thiểu số.
Sự phân định thẩm quyền này nhằm tối ưu hóa quy trình xét xử, đảm bảo tính chuyên sâu cho các vụ án phức tạp tại cấp tỉnh, đồng thời nâng cao năng lực giải quyết án tại cấp cơ sở là Tòa án nhân dân khu vực.
4. Tổng đài tư vấn pháp luật qua điện thoại:
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!