1. Khái niệm quy chế công ty:
Hiện nay vẫn chưa có quy định như thế nào là quy chế công ty, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu quy chế công ty là những quy ước, quy định, chế độ, chính sách do một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của công ty ban hành theo trình tự, thủ tục nhất định và có hiệu lực trong phạm vi công ty đó.
Hiện nay quy chế công ty thường bao gồm các quy chế sau: Quy chế quản trị nội bộ, quy chế quản trị hành chính, quy chế sử dụng con dấu, quy chế lương thưởng, quy chế quản lý nhân sự,….
2. Vai trò của quy chế công ty:
– Giúp công tác điều hành và quản lý nội bộ công ty dễ dàng hơn: tập thể và cá nhân trong doanh nghiệp thông qua các quy định được ghi ra trong quy chế nội bộ đều nâng cao ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của mình;
– Giúp quản lý tốt nguồn lực của công ty. Ví dụ như các quy chế trong công ty về tài chính, lương thưởng là những yếu tố cần thiết để quản lý nguồn vốn, tránh lãng phí, thất thoát…Bên cạnh đó cũng là là để bảo vệ nguồn lực con người, phát huy đúng sở trường, thế mạnh, tiềm năng của mỗi nhân viên.
– Giúp nâng cao văn hóa ứng xử, tăng tính văn minh, lịch sử, kỷ cương trong môi trường làm việc, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của doanh nghiệp.
– Giúp doanh nghiệp xây dựng bản sắc cho riêng mình. Bởi lẽ, mỗi doanh nghiệp được phép xây dựng hệ thống quy chế nội bộ mang màu sắc riêng mình, miễn là đúng với quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
3. Những yếu tố cần đảm bảo khi xây dựng và ban hành quy chế công ty:
– Tính hợp pháp: Phù hợp với pháp luật, không trái pháp luật là yếu tố đầu tiên cần phải có khi đưa ra quy chế. Chính vì vậy khi xây dựng quy chế, người soạn thảo cần phải dựa trên những quy định pháp luật.
– Tính thực tiễn: Các hoat động của doanh nghiệp phải có sự phù hợp với quy chế. Nếu không phù hợp sẽ dẫn đến những tác động xấu.
– Tính hiệu quả: Quy chế góp phần tạo nên hành lang pháp lý, bảo vệ quyền lợi của cá nhân và tổ chức. Do vậy, khi nó được áp dụng phải được sự ủng hộ, tôn trọng và thực thi bởi những người trong tổ chức đó.
4. Doanh nghiệp có thể thuê luật sư, văn phòng luật soạn thảo quy chế công ty giúp mình không?
Doanh nghiệp có thể thuê luật sư, văn phòng luật soạn thảo quy chế công ty theo khoản 3 Điều 22 Luật Luật sư 2006 như sau:
“Phạm vi hành nghề luật sư:
3. Thực hiện tư vấn pháp luật.“
Và theo Điều 28 Luật Luật sư 2006 như sau:
“Hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư
1. Tư vấn pháp luật là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ.
Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật.
2. Khi thực hiện tư vấn pháp luật, luật sư phải giúp khách hàng thực hiện đúng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.”