Cảnh sát giao thông (CSGT) có được quyền yêu cầu dừng phương tiện khi người tham gia giao thông không đeo dây an toàn hoặc xe không có biển số xe? Hành vi chửi bới CSGT khi CSGT đang làm nhiệm vụ sẽ bị xử lý như thế nào? CSGT có được quyền còng tay người vi phạm hay không?
1. Cảnh sát giao thông (CSGT) có được quyền yêu cầu dừng phương tiện khi người tham gia giao thông không đeo dây an toàn hoặc xe không có biển số xe?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật giao thông đường bộ năm 2008 (Luật GTĐB):“Xe ôtô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe phải thắt dây an toàn.” Ngoài ra theo điểm k, l Khoản 1 Điều 5 và Khoản 7 Điều 80 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, kể từ ngày 01/01/2018, quy định về việc thắt dây an toàn còn áp dụng đối với người được chở ở hàng ghế phía sau trên xe ô tô tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy. Và khoản 3 Điều 53 Luật GTĐB cũng có quy định: “Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp”.
Do đó, việc thắt dây an toàn khi tham gia giao thông và đăng ký, gắn biển số là quy định bắt buộc đối với người tham gia giao thông. Nếu không đáp ứng được điều kiện này, tức là người tham gia giao thông đã có hành vi vi phạm. Mà theo điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA: “Cảnh sát giao thông có quyền dừng phương tiện để thực hiện việc tuần tra, kiểm soát nói chung và kiểm tra việc thắt dây an toàn nói riêng trong trường hợp trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ”. Vì vậy, nếu xe không có gắn biển số hoặc người tham gia giao thông không thắt dây an toàn thì CSGT có quyền yêu cầu dừng phương tiện để thực hiện việc tuần tra, kiểm soát.
Trong trường hợp trên, nếu CSGT dừng xe phương tiện vì lỗi không thắt dây an toàn thì hoàn toàn đúng pháp luật.
Đối với biển số xe trong trường hợp này cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, nếu xét theo phương diện áp dụng pháp luật thì trường hợp mà xe bị va chạm và rớt biển số xe thì CSGT có thể nhắc nhở và yêu cầu anh này gắn lại biển số xe để tiếp tục tham gia giao thông? Chứ không nên lời qua tiếng lại rồi dẫn đến sự việc đáng tiếc như trên video.
Lực lượng công an có mặt đưa tài xế và phương tiện về trụ sở
2. Hành vi chửi bới CSGT khi CSGT đang làm nhiệm vụ sẽ bị xử lý như thế nào?
Tùy theo tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi, người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo điểm b Khoản 2 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau: “Hành vi có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng.”
Nếu hành vi chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm CSGT đến mức nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác. Theo Điều 121 Bộ luật Hình sự hiện hành, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội đối với người thi hành công vụ còn là tình tiết định khung tăng nặng, có thể bị phạt tù từ một năm đến ba năm.
Ngoài trách nhiệm hình sự hoặc hành chính, người thực hiện hành vi lăng mạ còn có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.
Theo quan điểm của tôi sau khi tôi xem qua đoạn video thì trường hợp của anh này rất có thể chỉ bị phạt hành chính với số tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng.
Còn có thể xử lý hình sự hay không thì chúng ta cần chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Hãng Luật bigboss law- tư vấn pháp luật miễn phí 0908 648 179
3. CSGT có được quyền còng tay người vi phạm hay không?
Còng tay (hay còn gọi là khóa số 8) là một trong các công cụ hỗ trợ được quy định tại điểm d Khoản 11 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.
Và đó là công cụ hỗ trợ thì cần phải được sử dụng theo đúng quy định pháp luật. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, CSGT (gọi chung là công an nhân dân) thuộc đối tượng được trang bị thiệt bị còng tay.
Theo Điều 61 Luật này, việc sử dụng còng tay chỉ được áp dụng trong 4 trường hợp sau:
“1. Ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
2. Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;
3. Ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ, làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy;
4. Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, nếu CSGT xét thấy trường hợp có người thực hiện hành vi như: bạo loạn, gây rối trật tự công cộng, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hay ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc của người khác. Tiêp đến Tại khoản 3 có quy định hành vi không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ thì có quyền sử dụng còng tay để ngăn chặn.
Vậy chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề. Các vấn đề trong đoạn video mà người đàn ông này đã có hành vi nào vi phạm thuộc 1 trong 4 trường hợp theo quy định của pháp luật hay chưa?
Nếu có thì CSGT hoàn toàn có quyền còng tay theo quy định của pháp luật.
Theo góc nhìn của tôi thông qua đoạn video thì chưa đủ cơ sở để kết luận CSGT có được phép còng tay hay không. Do đó chúng ta nên chờ kết luận từ phía cơ quan điều tra.
Và đương nhiên, nếu có trường hợp CSGT lạm dụng còng tay thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Cụ thể các bạn có thẻ tham khảo khoản 2, Điều 61 của 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017
“Người nào được giao sử dụng công cụ hỗ trợ (trong trường hợp này là còng tay) sử dụng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng còng tay để xâm phạm tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”
Người đăng: Sang Lee