1. Người tiêu dùng tự mình mang sản phẩm và hàng hóa đi kiểm định có đúng quy định pháp luật không?
Từ những diễn biến phức tạp của vụ kẹo rau củ Kera, một vấn đề về quyền lợi người tiêu dùng được đưa ra thảo luận: “Người tiêu dùng tự kiểm định và công khai thông tin sản phẩm, hàng hóa gian dối có đúng quy định pháp luật không?”
Để trả lời cho câu hỏi này, Luật sư Mai Tiến Luật – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hãng Luật BIGBOSS LAW cho biết pháp luật không cấm cá nhân mang sản phẩm đi kiểm định. Tuy nhiên Luật sư cũng cho biết thêm, kết quả kiểm định thường chỉ đúng với mẫu đã được thử nghiệm, không thể đại diện cho tất cả sản phẩm. Vì đây chưa phải là kết quả chính thức và cuối cùng, việc chia sẻ lên mạng xã hội có thể dẫn đến sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng về bản chất của sản phẩm, gây ra những hiểu lầm không đáng có, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp. Đồng thời, tạo ra rủi ro pháp lý cho người đăng tải, công bố thông tin khi chưa có bất kỳ kết luận nào từ cơ quan chức năng có thể vi phạm quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010 về những hành vi bị cấm: “12. Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.”. Không chỉ vậy, người tự ý mang hàng hóa đi kiểm định và công bố kết quả trên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính từ 50 – 70 triệu đồng theo điểm b khoản 4 Điều 23 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, đồng thời buộc phải cải chính thông tin đã công bố.
Thêm vào đó, Luật sư Mai Tiến Luật chỉ ra những rủi ro pháp lý nghiêm trọng hơn mà người tự ý kiểm định và công khai kết quả hàng hóa trên mạng xã hội có thể vi phạm Luật Cạnh tranh 2018 về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm tại khoản 3 Điều 45 với mức phạt hành chính rất cao, từ 100 – 150 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP. Đồng thời, hành vi nêu trên có thể bị khởi kiện dân sự về yêu cầu bồi thường thiệt hại tất cả các tổn thất gây ra cho doanh nghiệp. Nghiêm trọng hơn hành vi này có thể vi phạm pháp luật hình sự về tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt nặng nhất lên đến 07 năm tù.
Luật sư cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên tùy tiện công bố kết quả kiểm định và đưa ra nhận định chủ quan trên mạng xã hội khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Hành động này vừa giúp tránh được những rắc rối pháp lý, vừa góp phần tạo dựng một cộng đồng tiêu dùng văn minh hơn.
2. Phát hiện sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng gian dối, phải làm sao?
Liên quan đến sản phẩm không đảm bảo an toàn, Điều 5 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng như sau:
– Kiểm tra sản phẩm, hàng hóa trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
– Tiêu dùng không vi phạm pháp luật, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình và của người khác.
– Tuân thủ điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật.
– Thông tin kịp thời, chính xác cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
– Chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Điều 4 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định quyền của người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch; thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, nội dung giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức, cá nhân kinh doanh. Nếu sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nội dung khác theo quy định của pháp luật hoặc không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân kinh doanh thì yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại và thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật. Đồng thời, được tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Theo Luật sư, khi nghi ngờ sản phẩm có vấn đề, người tiêu dùng nên thực hiện theo 04 bước sau:
– Bước 1: Cẩn thận ghi lại hiện trạng của hàng hóa bằng hình ảnh hoặc video, đồng thời giữ gìn các chứng từ mua bán như hóa đơn, phiếu mua hàng,… niêm phong sản phẩm, hàng hoá nghi ngờ gian dối. Người tiêu dùng không lan truyền thông tin lên mạng xã hội khi chưa có bằng chứng xác thực để tránh các rắc rối pháp lý tiềm ẩn. Người tiêu dùng có thể chủ động tiến hành kiểm nghiệm và kết quả này sẽ là một tài liệu quan trọng để yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết quyền lợi chính đáng của mình.
– Bước 2: Người tiêu dùng có quyền yêu cầu cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm do Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chỉ định thực hiện kiểm nghiệm theo Điều 45 Luật An toàn thực phẩm 2010. Kết quả kiểm nghiệm là cơ sở pháp lý để người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ của mình theo khoản 4, 5 điều 5 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.
– Bước 3: Cơ quan nhà nước tiến hành kiểm nghiệm theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Tổ chức đánh giá, kiểm định sản phẩm, hàng hóa là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007.
– Bước 4: Cơ quan nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp, có thể bao gồm xử phạt hành chính đối với các vi phạm, yêu cầu thu hồi hoặc tiêu hủy hàng hóa không đạt chất lượng, hoặc thậm chí khởi tố vụ án hình sự đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc hàng kém chất lượng.
Luật sư khuyến nghị người tiêu dùng nên tìm kiếm các cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm uy tín đã được công bố trên trang web của Bộ Công thương.
3. Pháp luật hiện hành quy định về những thông tin bắt buộc phải có trên bao bì sản phẩm
Bất chấp những lời quảng cáo hoa mỹ, thông tin chính thức trên tem nhãn sản phẩm phải tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật nghiêm ngặt. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và sự minh bạch thông tin, pháp luật hiện hành đã quy định rõ ràng về những nội dung bắt buộc phải hiển thị trên bao bì sản phẩm.
Căn cứ theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa được ban hành nhằm đảm bảo thông tin trên nhãn, do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cung cấp (bao gồm cả nhãn phụ), phải trung thực, rõ ràng, chính xác và phản ánh đúng bản chất của hàng hóa. Theo đó, nhãn bao bì sản phẩm bắt buộc phải hiển thị các nội dung sau: tên hàng hóa, thông tin về đơn vị chịu trách nhiệm (tên và địa chỉ), xuất xứ, định lượng, thời gian sản xuất và sử dụng, thành phần, thông số kỹ thuật và cảnh báo…
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hoá có trách nhiệm tự xác định nhóm sản phẩm, hàng hóa dựa trên công dụng chính để ghi nhãn theo đúng quy định, đặc biệt đối với các mặt hàng phức tạp hoặc chưa có quy định cụ thể.
Nếu kích thước sản phẩm, hàng hóa không cho phép thể hiện toàn bộ nội dung bắt buộc trên nhãn, thì các thông tin này phải được cung cấp đầy đủ trong tài liệu đi kèm. Ngoài ra, nhãn sản phẩm phải chỉ rõ nơi người tiêu dùng có thể tìm thấy các thông tin này.
4. Luật An toàn thực phẩm 2010: Những lý do đằng sau quy định về kiểm định thực phẩm
Kiểm định thực phẩm đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và duy trì trật tự thị trường. Luật An toàn thực phẩm 2010 đã quy định cụ thể về vấn đề này tại Điều 45. Theo Luật sư, việc luật hóa các quy trình kiểm định xuất phát từ nhiều lý do:
– Thứ nhất, quy định kiểm định nhằm bảo vệ quyền lợi của tất cả các bên:
+ Đối với người tiêu dùng: Đảm bảo kết quả kiểm nghiệm chính xác, giúp người tiêu dùng nhận biết rõ độ an toàn của sản phẩm.
+ Đối với doanh nghiệp: Yêu cầu kết quả kiểm nghiệm khách quan, tránh những thiệt hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín.
+ Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Cung cấp nền tảng pháp lý và kỹ thuật minh bạch, rõ ràng để đưa ra các quyết định xử lý như phạt, thu hồi, đình chỉ hoặc cảnh báo người tiêu dùng.
– Thứ hai, ngăn chặn việc lạm dụng hoặc xuyên tạc kết quả kiểm nghiệm: Việc thiếu các quy trình chuyên môn có thể dẫn đến tình trạng bất kỳ ai cũng tự ý lấy mẫu, kiểm nghiệm và công bố thông tin thiếu kiểm chứng, gây ra những tác động tiêu cực đến thị trường và tạo ra sự hoang mang trong dư luận.
– Thứ ba, bảo vệ và duy trì vai trò quản lý của nhà nước thông qua hành lang pháp lý: Việc tự do kiểm nghiệm và công bố thông tin sai lệch có thể gây ra những tranh chấp không kiểm soát giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
5. Tổng đài tư vấn pháp luật
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!