Tác giả: Mỹ Tâm
Cập nhật: 04/14/2025

Nội dung

NHỮNG ĐIỂM MỚI TẠI DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (sửa đổi)
NHỮNG ĐIỂM MỚI TẠI DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (sửa đổi)

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo vừa qua được đưa ra lấy ý kiến cơ quan chức năng. Đáng chú ý, trong dự thảo luật sửa đổi, Bộ Công an đã có một số đề xuất quan trọng như hình phạt mới tù chung thân không xét giảm án và các Tội phạm mới.

1. Đề xuất hình phạt mới “tù chung thân không xét giảm án”.

“Tù chung thân không xét giảm án” là một hình phạt mới bên cạnh các hình phạt đang có hiện nay được quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự như: tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình ..v.v.. Khác với “tù chung thân” được Hội đồng xét xử xem xét giảm án xuống khung hình phạt tù có thời hạn khi bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm Hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự thì hình phạt mới “Tù chung thân không xét giảm án” là hình phạt cao hơn “tù chung thân” hiện hành nhưng thấp hơn hình phạt “tử hình”.

Hiểu một cách đơn giản “tù chung thân không xét giảm án” là hình phạt tù không thời hạn và không được xem xét giảm hình phạt đã tuyên, trừ trường hợp đại xá, ân giảm hoặc Luật Đặc xá có quy định khác, được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.

Trong 14 tội danh được Bộ Công an đề xuất bổ sung án tù chung thân không xét giảm án, có 7 tội sẽ dùng hình phạt này là mức án cao nhất, thay cho tử hình, gồm: 

+ Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); 

+ Gián điệp (Điều 110);

+ Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); 

+ Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194);

+ Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); 

+ Tham ô tài sản (Điều 353) và;

+ Nhận hối lộ (Điều 354).

7 tội danh dự kiến bổ sung khung hình phạt chung thân không xét giảm, song vẫn giữ nguyên án tử hình là mức phạt nặng nhất gồm: 

+ Phản bội Tổ quốc (Điều 108); 

+ Bạo loạn (Điều 112); 

+ Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113); 

+ Giết người (Điều 123); 

+ Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); 

+ Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248) và;

Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251).

Hình phạt tù chung thân không xét giảm án sẽ không áp dụng với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Với người phạm tội Tham ô tài sản hoặc Nhận hối lộ bị phạt tù chung thân không xét giảm án, dự thảo đề xuất nếu trước, trong và sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì được giảm xuống thành tù chung thân (mức án nhẹ hơn liền kề).

Quan điểm tác giả: với tư cách là người làm luật tôi đồng tình với Bộ Công an về việc bổ sung án tù chung thân không xét giảm án thay cho hình phạt tử hình vì nó thể hiện sâu sắc tính nhân đạo của pháp luật, tiệm cận sự văn minh của Thế Giới.

Hiện có 65 quốc gia đang áp dụng án tù chung thân không ân xá là hình phạt cao nhất. Các tội danh áp dụng phần lớn đều liên quan giết người, tội phạm tình dục, khủng bố, tra tấn tàn ác, ma túy, phản quốc.

Đối với các tội danh như tham ô tài sản, nhận hối lộ đều có liên quan đến vấn đề về kinh tế nên yếu tố kinh tế phải được đặt lên đầu tiên. Ưu tiên lớn nhất vẫn là thu hồi được số tiền vi phạm để khắc phục thiệt hại. Tôi đề nghị phải thay thế quy định về việc nộp lại 3/4 tài sản, thành yêu cầu người phạm tội tham nhũng phải nộp lại toàn bộ hoặc 100% tài sản. “Đã là tiền tham ô, tham nhũng, bất chính thì người phạm tội mới được xem xét được giảm xuống thành tù chung thân.

2. Đề xuất 02 hình phạt bổ sung mới là “Cấm nhập cảnh vào Việt Nam” và “Giám sát điện tử”.

Khác với hình phạt mới “tù chung thân không xét giảm án” là các hình phạt chính được quy định tại khoản 1 Điều 32 BLHS thì hình phạt bổ sung được xem là hình phạt phụ được đi kèm với hình phạt chính.

Theo khoản 2 Điều 32 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có 7 hình phạt bổ sung đối với người phạm tội. Dự thảo BLHS sửa đổi đã thêm hai hình phạt bổ sung là cấm nhập cảnh và giám sát điện tử.

Cụ thể, Điều 45a quy định cấm nhập cảnh vào Việt Nam có thể được áp dụng đối với người nước ngoài bị kết án.

Đối với hình phạt giám sát điện tử, Điều 45b quy định đây là việc sử dụng thiết bị điện tử để quản lý, giám sát. Chính phủ quy định chi tiết thi hành hình phạt giám sát điện tử.

Hình phạt bổ sung giám sát điện tử được áp dụng để theo dõi đối với người được hưởng án treo, người bị quản chế, cấm cư trú hoặc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Những người bị áp dụng hình phạt bổ sung này là những người có hành vi phạm tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, ma túy, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình; phạm tội vì mục đích chống chính quyền nhân dân.

Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, có thể áp dụng hình phạt giám sát điện tử đối với người đang chấp hành hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung hoặc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về các hành vi phạm tội không thuộc quy định nêu trên.

Thời hạn áp dụng hình phạt giám sát điện tử không quá thời hạn của án phạt quản chế, cấm cư trú; không quá thời gian thử thách của người bị kết án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Ngoài ra, Giám sát điện tử còn được áp dụng là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam đối với người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) phạm tôi. Theo Điều 136 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định: căn cứ vào nhân thân và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nếu xét thấy cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền nhưng không cần thiết phải tiếp tục tạm giam, người chưa thành niên sẽ được xem xét áp dụng biện pháp giám sát điện tử.

3. Bổ sung tội danh “sử dụng trái phép chất ma túy” và “không chấp hành biện pháp cai nghiện bắt buộc”.

Trước đây, tội sử dụng trái phép chất ma túy từng được quy định tại Điều 199 BLHS năm 1999. Người sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; trường hợp tái phạm, bị phạt tù 2-5 năm.

BLHS hiện hành (BLHS năm 2105, sửa đổi bổ sung 2017) quy định các tội phạm về ma túy tại Chương XX, như: tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), …; không có tội sử dụng trái phép chất ma túy.

Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 và điểm a, d khoản 8 Điều 23 Nghị định 144/2021, cụ thể sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1-2 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; người nước ngoài nếu vi phạm sẽ bị trục xuất.

Bộ Công an đã bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256a); đề xuất nâng hình phạt tù, phạt tiền; xác định Ketamine là loại chất ma túy cụ thể, hạ mức định lượng để định khung hình phạt… đối với 13 tội danh từ Điều 247 đến 259 Chương XX dự thảo đối với nhóm tội phạm về ma túy.

Điều 256a tội sử dụng trái phép chất ma túy quy định, người nào đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế hoặc đã từng cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy mà bị phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2-3 năm. Trường hợp tái phạm tội này thì bị phạt tù từ 3-5 năm.

Bên cạnh bổ sung tội “sử dụng trái phép chất ma túy”, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung tội “không chấp hành bản án, quyết định của tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc” (Điều 380a).

Theo đó, người nào đã có quyết định của tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc mà bỏ trốn thì bị phạt tù 2-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: chống lại người thi hành bản án hoặc người đang thi hành công vụ; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt thì bị phạt tù 2-5 năm.

Theo quy định hiện hành, người không chấp hành bản án, quyết định của tòa án áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đi cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Theo quy định hiện hành theo khoản 2 Điều 54 Nghị định 116/2021, trường hợp người nghiện ma túy không chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ quan Công an cấp huyện quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để đưa người phải chấp hành đến cơ sở cai nghiện bắt buộc.

4. Đề xuất bổ sung thêm 27 tội bị xử lý hình sự dù mới ở giai đoạn “chuẩn bị phạm tội”.

Cũng tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất bổ sung thêm 27 tội phải chịu trách nhiệm hình sự dù mới chuẩn bị phạm tội.

Cụ thể điều 14 dự thảo bộ luật nêu rõ chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.

Các tội danh được đề xuất bổ sung gồm có:

  • Nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người: điều 141 (hiếp dâm), điều 142 (hiếp dâm người dưới 16 tuổi), điều 143 (cưỡng dâm), điều 144 (cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi). Điều 145 (giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), điều 146 (dâm ô đối với người dưới 16 tuổi), điều 147 (sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm), điều 150 (mua bán người). Điều 151 (mua bán người dưới 16 tuổi).
  • Nhóm tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân: điều 157 (bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật),
  • Nhóm tội xâm phạm sở hữu: điều 170 (cưỡng đoạt tài sản), điều 171 (cướp giật tài sản),
  • Nhóm tội trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại: điều 193 (sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh),
  • Nhóm tội trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm: điều 208 (làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác),
  • Nhóm tội về ma túy: điều 248 (sản xuất trái phép chất ma túy), điều 251 (mua bán trái phép chất ma túy).
  • Nhóm tội khác xâm phạm an toàn công cộng: Điều 304 (chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự), điều 305 (chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ).Điều 306 (chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ).  Điều 309 (sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân), điều 311 (sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc).
  • Nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính: Điều 341 (làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức), điều 348 (tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép). Điều 349 (tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép),
  • Nhóm tội về chức vụ: điều 359 (giả mạo trong công tác), điều 361 (cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác).
    NHỮNG ĐIỂM MỚI TẠI DỰ THẢO BỘ LUẬT HÌNH SỰ (sửa đổi)
     

 

 

Khuyến cáo

Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp các thông tin chung và không nhằm cung cấp bất kỳ ý kiến tư vấn pháp lý cho bất kỳ trường hợp cụ thể nào. Các quy định pháp luật được dẫn chiếu trong nội dung bài viết có hiệu lực vào thời điểm đăng tải bài viết nhưng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đọc. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bạn luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi áp dụng.

Các vấn đề liên quan đến nội dung hoặc quyền sở hữu trí tuệ liên của bài viết, vui lòng gửi email đến info@bigbosslaw.com.

Bigboss Law là một công ty luật tại Việt Nam có kinh nghiệm và năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan đến Giải quyết tranh chấp. Vui lòng tham khảo về dịch vụ của chúng tôi Giải quyết tranh chấp và liên hệ với đội ngũ luật sư tại Viêt Nam của chúng tôi thông qua email info@bigbosslaw.com.

Chia sẻ:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

YÊU CẦU TƯ VẤN

THÔNG TIN
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x