Các tranh chấp về đất đai luôn là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm chú ý từ xã hội bởi tính chất phức tạp và khó giải quyết. Trên thực tế đây là vấn đề dễ phát sinh tranh chấp về quyền, lợi ích của các bên và thường diễn ra dưới nhiều dạng tranh chấp khác nhau. Hiện nay pháp luật quy định hai phương thức phổ biến để giải quyết tranh chấp đất đai là hòa giải và khởi kiện. Nếu chọn giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, các bên có thể tiết kiệm nhiều thời gian và tiền bạc so với khởi kiện. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin về hòa giải và các nguyên tắc khi hòa giải tranh chấp đất đai.
1. Hòa giải tranh chấp đất đai là gì?
Theo như định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt, hòa giải là “hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa”.
Về bản chất, hòa giải là một biện pháp mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả giúp cho các bên tranh chấp tìm ra một phương pháp thống nhất để tháo gỡ mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ pháp luật, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Trên thực tế, biện pháp hòa giải là việc thông qua sự góp mặt của một bên trung gian có vai trò thuyết phục các bên tranh chấp tự giải quyết tranh chấp của mình một cách hòa bình, ổn thỏa. Như vậy nếu hiểu theo nghĩa chung nhất thì hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên thông qua sự trợ giúp, tác động của bên thứ ba đóng vai trò là trung gian hòa giải nhằm thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp giúp đôi bên cùng có lợi và loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Thông thường, việc hòa giải được tiến hành sau khi thương lượng (khiếu nại) giữa các bên đã không đạt được kết quả.
Dưới góc độ pháp lý, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định:
“Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.”
Như vậy có thể hiểu hòa giải tranh chấp đất đai là sự hướng dẫn, trợ giúp của hòa giải viên đối với các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các xung đột, tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai theo quy định của luật đất đai hiện hành. Nếu như hòa giải ở cơ sở không thành thì các bên có thể tiếp tục hòa giải tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
2. Hòa giải tranh chấp đất đai ở đâu?
Căn cứ Điều 202 Luật Đất đai 2013, nếu tranh chấp đất đai giữa các bên không thể tự hòa giải được thì các bên có thể gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để nhờ sự hỗ trợ hòa giải của cơ quan này.
Cũng theo quy định tại Điều này:
“Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác.”
3. Hòa giải tranh chấp đất đai trong bao lâu?
Căn cứ khoản 3 Điều 202 Luật Đất đai 2013, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai bằng hòa giải tại Ủy ban nhân cấp xã sẽ được tiến hành trong thời hạn không quá 45 ngày, tính từ ngày nhận được đơn yêu cầu của các bên về việc giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Nguyên tắc hòa giải tranh chấp đất đai
Khi tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai bằng hòa giải, cơ quan có thẩm quyền cần đảm bảo các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, cần đảm bảo hướng giải quyết phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như phù hợp với truyền thống đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, lợi ích xã hội; bên cạnh đó tôn trọng sự tự nguyện của các bên; theo nguyên tắc công khai, dân chủ, kết hợp với thuyết phục, phân tích có lý, có tình;
Thứ hai, cần đảm bảo tôn trọng quyền tự do, thỏa thuận của các bên trong tranh chấp; đảm bảo phù hợp đạo đức xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, bày tỏ sự quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng có vị trí yếu thế trong xã hội hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thứ ba, không được lợi dụng biện pháp hòa giải để cản trở các bên tranh chấp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.
Thứ tư, kết quả hòa giải tranh chấp đất đai giữa các bên tại UBND xã cần phải được lập thành biên bản, có đầy đủ chữ ký của các bên trong tranh chấp và có xác nhận của UBND cấp xã về việc hòa giải thành hoặc hòa giải không thành. Tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 cũng có quy định rõ nguyên tắc này:
“Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp”.
Trên thực tế, đôi khi do chưa nắm vững quy trình tố tụng hòa giải hoặc ý thức chấp hành quy định pháp luật chưa cao dẫn đến việc sau khi kết thúc phiên hòa giải thì cơ quan tổ chức hòa giải không tiến hành lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành hoặc không thành.
Mặt khác, có những trường hợp tuy tham gia hòa giải nhưng lại không ký vào biên bản hòa giải. Đặc biệt là, có trường hợp biên bản hòa giải không có xác nhận đóng dấu của UBND xã. Điều này dẫn đến hệ lụy, khi khởi kiện hoặc khiếu nại lên cơ quan cấp trên, các bên có nguy cơ bị trả lại hồ sơ khởi kiện vì Biên bản hòa giải chưa phù hợp đúng với quy định của pháp luật.
Năm là, các thành viên ở trong Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai cần phải đảm bảo tính trung lập, rõ ràng, độc lập, khách quan và công tư phân minh. Khi phát sinh tranh chấp đất đai, các bên trong tranh chấp thường tìm đủ mọi nguyên do, lý lẽ cho rằng mình đúng để có thể bảo vệ được quyền, lợi ích của bản thân, nhưng lại không thấy cái sai của mình.
Do đó, trong quá trình hòa giải cho các bên, các thành viên của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai phải đảm bảo công minh, khách quan, đề cao công bằng, lẽ phải, tìm cách thuyết phục để mỗi bên hiểu rõ cái sai của mình từ đó đưa ra giải pháp hài hòa lợi ích của cả hai bên.