Trong cuộc sống hôn nhân, việc nảy sinh những cãi vã, xung đột là điều khó tránh khỏi, nhưng khi mâu thuẫn đã đến đỉnh điểm và không còn cách nào để hòa giải thì lúc này ly hôn có thể sẽ là sự lựa chọn phù hợp để giải thoát cho cả hai người khỏi sự ràng buộc của mối quan hệ đã tan vỡ. Trên thực tế khi giải quyết các vụ việc ly hôn đơn phương, không ít trường hợp vì phản đối quyết định ly hôn của bên kia nên dùng đủ mọi lý do để vắng mặt tại phiên tòa nhằm cản trở quá trình giải quyết ly hôn. Vậy nếu tình huống đó xảy ra thì liệu Tòa án có giải quyết không, thủ tục về giải quyết ly hôn vắng mặt ra sao sẽ được trình bày trong bài viết này.
1. Mẫu đơn đề nghị xét xử vắng mặt
Trường hợp không thể tham dự phiên tòa xét xử, người tham gia tố tụng có quyền làm Đơn xin xét xử vắng mặt gửi tới Tòa án nhân dân nơi có thẩm quyền xét xử vụ án đó. Dưới đây là chi tiết mẫu Đơn xin xét xử ly hôn vắng mặt.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
………………, ngày……tháng……năm ………
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
(về việc yêu cầu ly hôn vắng mặt)
Kính gửi: Tòa án nhân dân …………………………..………………………..
Tôi là: ………………………………………………………………….………….
Sinh ngày ………. tháng ………….. năm …………………………………….…
CMND/Căn cước công dân/hộ chiếu số:… ……..… do….. cấp ngày …..………
Hộ khẩu thường trú tại: …………………………………………….….…………
Chỗ ở hiện tại: ………………………………………………………………..…..
Tôi là …….…… trong vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là ….…và bị đơn là ……..
Hiện nay, do tôi …………………………………………………………………..
nên không thể tham gia phiên tòa xét xử được.
Ngoài ra, dưới đây tôi xin trình bày yêu cầu của mình các nội dung sau:
1. Về quan hệ hôn nhân: ………………………………………………………….
2. Về con chung: ………………………………………………………………….
3. Về công nợ chung: ……………………………………………………………..
Vì lý do nêu trên, tôi kính mong quý Tòa chấp thuận sự vắng mặt của tôi trong quá trình giải quyết ly hôn với chồng/vợ tôi là …………………………………..
Tôi xin cam kết những nội dung đã trình bày trong đơn này là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Rất mong nhận được sự giúp đỡ của quý Toà. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)
2. Thủ tục giải quyết ly hôn vắng mặt
Trình tự thủ tục giải quyết vụ việc ly hôn vắng mặt gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại Tòa án
Hồ sơ khởi kiện bao gồm các giấy tờ sau:
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
– Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
– Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);
– Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).
Theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đương sự sẽ nộp hồ sơ tại Tòa án nơi có thẩm quyền giải quyết là nơi bị đơn cư trú, làm việc. Trong trường hợp không xác định được nơi bị đơn cư trú, làm việc của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết theo điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Bước 2: Đương sự nộp tiền tạm ứng án phí tại Chi cục thi hành án cấp huyện và nộp lại biên lai nộp tiền cho Tòa án
Tại Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thụ lý vụ án như sau:
“1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
2. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
4. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.”
Căn cứ theo quy định trên, sau khi nhận đơn khởi kiện, cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ thông báo nộp tiền tạm ứng án phí cho người nộp đơn. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung
Theo như Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định, thời điểm bắt đầu thụ lý vụ án sẽ phụ thuộc vào thời điểm người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án (nhưng phải trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa về nộp tiền tạm ứng án phí).
Căn cứ quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, dù là ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương thì thủ tục hòa giải tại Tòa án sau khi tiến hành thụ lý đơn ly hôn là một thủ tục bắt buộc:
“Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.“
Căn cứ khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nếu Tòa án đã triệu tập hợp lệ để tham gia hòa giải đến lần thứ 2 mà một bên vẫn cố tình vắng mặt thì được xác định là trường hợp không tiến hành hòa giải được. Theo khoản 2 Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án sẽ tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải và quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.
Việc vắng mặt của chồng/ vợ là nguyên đơn hay bị đơn trong vụ án tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự như sau:
“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật:
b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.”
Tại điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự vắng mặt tại phiên tòa:
“Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:
1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;
2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;
3. Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này.”
Như vậy, trong trường hợp vợ hoặc chồng vắng mặt và không tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn tiến hành các trình tự, thủ tục giải quyết vụ án ly hôn mà không phụ thuộc vào việc có hay không có sự có mặt của bị đơn.
Bước 5: Tòa ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Nếu xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án sẽ ra bản án chấm dứt quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng.