Đất đai là tài sản có giá trị tương đối lớn do đó tranh chấp liên quan đến loại tài sản này cũng thường diễn ra khá nhiều trong cuộc sống. Đây cũng là một trong những tranh chấp rất khó để hòa giải thành công, do đó các bên thường chọn cách khởi kiện lên tòa án. Nếu chẳng may vướng phải các tranh chấp về đất đai, loại giấy tờ đầu tiên chúng ta cần chuẩn bị chính là mẫu đơn khởi kiện. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp mẫu đơn khởi kiện tranh chấp đất đai cũng như trình bày quy định pháp luật về thủ tục nộp đơn, thời hạn giải quyết.
1. Mẫu đơn khởi kiện tranh chấp đất đai
Hiện nay đơn khởi kiện tranh chấp đất đai sẽ được sử dụng theo Mẫu số 23-DS Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP, cụ thể như sau:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……(1), ngày….. tháng …… năm…….
ĐƠN KHỞI KIỆN
Kính gửi: Toà án nhân dân (2)……………………………………
Người khởi kiện:(3)…………………………………………………………………
Địa chỉ: (4)……………………………………………………………………………
Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: …………………………………………………. (nếu có)
Người bị kiện: (5)………………………………………………………………………..
Địa chỉ (6) ……………………………………………………………………………….
Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: …………………………………………………. (nếu có)
Người có quyền, lợi ích được bảo vệ (nếu có)(7)…………………………………
Địa chỉ: (8)……………………………………………………………………………….
Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: …………………(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử : …………………………………………(nếu có)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có) (9)……………………………
Địa chỉ: (10) ……………………………………………………………………………..
Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ..………………………..………………. (nếu có)
Yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau đây:(11)………………………..
……………………………………………………………………………………….
Người làm chứng (nếu có) (12)…………………………………………………………..
Địa chỉ: (13) ……………………………………………………………………………..
Số điện thoại: …………………(nếu có); số fax: ………………….(nếu có)
Địa chỉ thư điện tử: ……………………………….………… (nếu có).
Danh mục tài liệu, chứng kèm theo đơn khởi kiện gồm có: (14)……………
1………………………………………………………………………………………..
2………………………………………………………………………………………..
(Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án) (15) ………………………………………………………………………………………
Người khởi kiện (16)
Ký tên
2. Hướng dẫn cách viết đơn
Căn cứ theo Mẫu số 23-DS Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP, khi tiến hành viết đơn khởi kiện tranh chấp đất đai, người khởi kiện cần chú ý các thông tin sau:
(1) Ghi địa điểm viết đơn (ví dụ: Bình Dương, ngày….. tháng….. năm……).
(2) Ghi cụ thể tên của Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì ghi rõ là Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện X thuộc tỉnh Y), nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương) và địa chỉ chính xác của Toà án đó.
(3) Nếu cá nhân là người khởi kiện thì ghi họ tên;
– Trường hợp người khởi kiện là người vị thành niên, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì cần ghi thêm họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó;
– Nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
(4) Ghi nơi cư trú của người khởi kiện tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là một cá nhân, thì cần điền đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Lê Văn A, cư trú tại thôn X, xã Y, huyện Z, tỉnh K); nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì cần điền địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty cổ phần X có trụ sở: Số 10 phố Y, quận Z, thành phố K).
(5), (7), (9) và (12) Điền các thông tin tương tự như hướng dẫn ở điểm (3).
(6), (8), (10) và (13) Điền các thông tin tương tự như hướng dẫn ở điểm (4).
(11) Nêu cụ thể từng vấn đề và đưa ra yêu cầu khởi kiện cho Toà án giải quyết.
(14) Ghi cụ thể tên các tài liệu nộp kèm đơn khởi kiện gồm có những giấy tờ gì và đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: bản sao hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, …).
(15) Có thể bổ sung thêm thông tin mà người khởi kiện thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ tranh chấp (ví dụ: Người khởi kiện thông báo cho Toà án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã xuất ngoại…).
(16) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì cần có chữ ký hoặc điểm chỉ của người đó;
– Trường hợp người khởi kiện là người vị thành niên, hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự, hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hoặc có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó cần ký tên điểm chỉ;
– Trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không thể tự làm đơn khởi kiện, không biết ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
– Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên cũng như chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó.
– Căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận.
3. Thủ tục nộp đơn, thời hạn giải quyết
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện lên Tòa án
– Về địa điểm nộp đơn khởi kiện
Căn cứ quy định tại khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 39 trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện sẽ thực hiện việc nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp nếu là tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.
– Về phương thức nộp
Người khởi kiện có thể nộp đơn bằng một trong các phương thức là nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án thông qua các thiết bị điện tử.
Bước 2: Tiếp nhận đơn và thụ lý đơn
Theo Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Thẩm phán sẽ tiến hành xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:
“- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn (thông thường sẽ thực hiện theo thủ tục thông thường);
– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.”
Theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:
“1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
2. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
4. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.”