1. Thực trạng đáng báo động
Trong thời đại số, nhiều người dân sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram để cập nhật thông tin và liên lạc hàng ngày. Tuy nhiên, các đối tượng xấu đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi giả mạo cơ quan nhà nước nhằm đánh lừa người dân, cụ thể như sau:
Giả mạo Công an, Viện kiểm sát, Tòa án yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc nộp tiền để “xử lý án treo”, “xác minh tài khoản”.
Giả mạo cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội để yêu cầu nộp lệ phí, phạt vi phạm hành chính.
Giả danh Cục Cảnh sát giao thông yêu cầu nộp phạt qua mạng do “vi phạm nguội”.
Mạo danh trang tin, fanpage của các bộ, sở, ngành để lan truyền thông tin sai lệch hoặc phát tán phần mềm độc hại.
Mục đích của các hành vi mạo danh là nhằm:
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: dụ người dân chuyển tiền để “xử lý”, “tránh bị bắt”, hoặc “nộp phí xác minh”.
- Đánh cắp thông tin cá nhân: để bán lại hoặc sử dụng vào các hành vi phạm pháp khác.
2. Dấu hiệu nhận biết hành vi mạo danh
- Gây áp lực tâm lý như: “sẽ bị khởi tố hình sự”, “tài khoản bị phong tỏa”, “phạt nguội đã đến hạn”.
- Yêu cầu chuyển tiền ngay, hoặc cung cấp CCCD, mã OTP, thông tin ngân hàng.
- Gửi tin nhắn từ số điện thoại lạ, liên kết không thuộc tên miền “.gov.vn”.
3. Hành vi mạo danh sẽ bị xử lý như thế nào ?
– Căn cứ theo Điểm c Khoản 1 Điều 18 Luật An ninh mạng 2018:
Điều 18. Phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
- Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội bao gồm:
c) Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng trái phép các phương tiện thanh toán;
- Căn cứ Điều 290 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:
Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản
- Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;
đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.
– Căn cứ theo điểm a) Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
4. Tổng đài tư vấn pháp luật
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!