Hòa giải nói chung trong ly hôn luôn được xem là yếu tố khuyến khích trong vụ việc ly hôn nhằm giúp 02 bên hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng đang bên bờ vực thẳm.
1.Thủ tục tiến hành hòa giải tại Tòa án
Thủ tục tiến hành hòa giải tại Tòa án khi ly hôn như sau:
a. Thông báo hòa giải
Trước khi tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; Thẩm phán phải thông báo cho đương sự; người đại diện hợp pháp của đương sự; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp.
Trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải; hoặc không tiến hành hòa giải được; Thẩm phán tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải.
b. Thu thập tài liệu, chứng cứ hoặc tham khảo ý kiến của cơ quan có thẩm quyền
Đối với vụ án ly hôn đến người chưa thành niên; trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự; Thẩm phán, Thẩm tra viên phải thu thập tài liệu; chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp.
Khi xét thấy cần thiết; Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình; nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.
Đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn; Thẩm phán phải lấy ý kiến của con từ đủ bảy tuổi trở lên. Trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em chứng kiến, tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện; phù hợp với tâm lý; lứa tuổi, mức độ trưởng thành; khả năng nhận thức của người chưa thành niên; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên.
c. Kiểm tra sự có mặt, vắng mặt của đương sự
Trước khi tiến hành phiên họp; Thư ký Tòa án báo cáo Thẩm phán về sự có mặt; vắng mặt của những người tham gia phiên họp đã được Tòa án thông báo. Thẩm phán chủ trì phiên họp kiểm tra lại sự có mặt và căn cước của những người tham gia, phổ biến cho các đương sự về quyền và nghĩa vụ của họ.
d. Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề liên quan đến vụ án
Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ; Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây:
Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;
Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác;
Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;
Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.
Sau khi các đương sự đã trình bày xong; Thẩm phán xem xét các ý kiến, giải quyết các yêu cầu của đương sự. Trường hợp người được Tòa án triệu tập vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ.
e. Hòa giải ly hôn tại Tòa án
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 210 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định thủ tục tiến hành hòa giải như sau:
Điều 210 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015
…
4. Thủ tục tiến hành hòa giải được thực hiện như sau:
a) Thẩm phán phổ biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án;
b) Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày nội dung tranh chấp, bổ sung yêu cầu khởi kiện; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có);
c) Bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố (nếu có); những căn cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu phản tố của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có);
d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; trình bày yêu cầu độc lập của mình (nếu có); những căn cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu độc lập của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có);
đ) Người khác tham gia phiên họp hòa giải (nếu có) phát biểu ý kiến;
e) Sau khi các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất và yêu cầu các đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;
g) Thẩm phán kết luận về những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất.
Tất cả những vấn đề trên được thư ký tòa án ghi vào biên bản hòa giải với những nội dung chính quy định tại Khoản 3 Điều 211 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 với đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của các đương sự có mặt trong phiên hòa giải, chữ ký của thư ký Tòa án và của thẩm phán chủ trì phiên tòa.
Kết quả hòa giải tại Tòa án
Hòa giải thành là điều các bên tham gia hướng tới khi tiến hành hòa giải
Căn cứ vào biên bản hòa giải có thể xảy ra các trường hợp sau:
– Hòa giải thành toàn bộ vụ án: Trong trường hợp, các đương sự thống nhất được với nhau về toàn bộ các vấn đề giải quyết vụ án (kể cả phần án phí) thì Tòa án mới lập biên bản hòa giải thành, trong đó nêu rõ tranh chấp và nội dung các đương sự thỏa thuận, hướng giải quyết. Biên bản hòa giải thành được thừa nhận khi có đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 210 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và phải có đầy đủ chữ ký của Thẩm phán, Thư ký và các đương sự tham gia hòa giải. Văn bản hòa giải thành là cơ sở để Tòa án ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự.
– Hòa giải thành một phần vụ án: Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết một phần vụ án hoặc thỏa thuận được về toàn bộ nội dung vụ án nhưng không thỏa thuận được với nhau về nghĩa vụ chịu án phí thì thuộc trường hợp hòa giải không thành; trong biên bản hòa giải Tòa án ghi rõ những nội dung đã được các đương sự thống nhất và những nội dung không thống nhất.
– Hòa giải không thành: Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Tòa án phải lập biên bản hòa giải không thành (trong biên bản hòa giải phải ghi đầy đủ những nội dung không thỏa thuận được theo quy định tại Khoản 3 Điều 211 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) và ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.
2. Thẩm phán hỏi gì trong buổi hòa giải?
Thẩm phán giải quyết vụ việc sẽ đưa ra những câu hỏi mang tính chất tìm hiểu và đi sâu vào quá trình diễn biến hôn nhân, điển hình như:
- Vợ chồng kết hôn có tìm hiểu trước không?
- Gia đình hai bên có ai phản đối không?
- Đăng ký kết hôn ngày tháng năm nào, tại đâu?
- Sau khi kết hôn, vợ chồng chung sống ở đâu?
- Còn sống chung hay đã ly thân?
- Chung sống cùng nhau bao lâu, ly thân bao lâu?
- Nếu đã ly thân thì đang sống ở đâu?
- Vợ chồng chung sống hạnh phúc đến khoảng thời gian nào thì phát sinh mâu thuẫn
- Nguyên nhân mâu thuẫn cụ thể?
- Nay vợ chồng xác định tình cảm thế nào?
- Đã trầm trọng chưa?
- Vợ chồng có cần có thêm thời gian về hòa giải, suy nghĩ lại không?
Những câu hỏi về tài sản
- Tài sản là một vấn đề cần xử lý khi ly hôn, vì thế việc làm rõ là trách nhiệm rất quan trọng của Thẩm phán:
- Vợ chồng có tài sản chung không?
- Động sản gồm những gì, Bất động sản, nhà đất gồm những gì; Vợ chồng có tự thỏa thuận được không? Thỏa thuận phân chia thế nào? Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết thế nào?
- Vợ chồng có nợ ai hay cho ai vay nợ không?
- Nếu có thì cho ai vay bao nhiêu hay vay ai bao nhiêu; Có thỏa thuận được về việc trả nợ không?
- Thỏa thuận thế nào? Có yêu cầu Tòa công nhận không? hoặc Có tranh chấp không?
Những câu hỏi về con chung
- Các nghĩa vụ về con chung, phân chia người trực tiếp nuôi con, nội dung cấp dưỡng sẽ được làm rõ qua các câu hỏi:
- Vợ chồng có mấy con chung, con riêng?
- Các con sinh năm bao nhiêu?
- Con chung đang ở với ai?
- Vợ chồng có thỏa thuận được về việc nuôi con không?
- Cụ thể ai nuôi con thế nào?
- Có thỏa thuận hay yêu cầu cấp dưỡng nuôi con không?
- Mức cấp dưỡng yêu cầu/ thỏa thuận là bao nhiêu?
Trường hợp con trên 7 tuổi thì Tòa án sẽ yêu cầu vợ chồng đưa con lên để Tòa án trực tiếp hỏi về nguyện vọng của con mong muốn ở với ai khi vợ chồng ly hôn?