Tranh chấp đất đai xảy ra phổ biến và phức tạp. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án kéo dài khá lâu. Thay vì các bên khởi kiện để Tòa án giải quyết, các bên có thể lựa chọn phương thức hòa giải. Bài viết này sẽ tìm hiểu về hòa giải tranh chấp đất đai cơ sở và trình tự, thủ tục hòa giải cơ sở.
1. Tranh chấp đất đai là gì?
Khái niệm tranh chấp đất đai tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.
Tranh chấp đất đai có thể hiểu là việc xác định người có quyền và nghĩa vụ hợp pháp đối với mảnh đất (người có quyền sử dụng đất). Ví dụ: tranh chấp đất đai xác định ranh giới quyền sử dụng đất như tranh chấp lối đi, tranh chấp đòi lại đất,…
Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định như sau:
“Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất; mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013; thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất; tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất; chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… ; thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã; phường; thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án”.
Có hai loại tranh chấp đất đai: tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất và tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất. Tùy vào từng loại tranh chấp mà thủ tục giải quyết khác nhau. Do đó, tranh chấp về việc xác định người nào có quyền sử dụng đất, bắt buộc các bên phải có thủ tục hòa giải UBND cấp xã; nếu không sẽ không được toà án thụ lý. Tranh chấp liên quan đến đất đai khác, các bên có thể khởi kiện ra Tòa án mà không cần Hòa giải, Nhà nước chỉ khuyến khích các bên tự nguyện hòa giải hoặc hòa giải cơ sở.
2. Hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở
Căn cứ Điều 1 Luật Hòa giải cơ sở 2013:
“Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở”.
Luật Đất đai 2013 không có quy định cụ thể Hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở, do đó hòa giải ở cơ sở sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Hòa giải cơ sở 2013.
Hòa giải cơ sở tranh chấp đất đai là gì?
Khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 quy định:
“Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này”.
Khác với hòa giải tại UBND cấp xã, hòa giải tại cơ sở do tổ viên tổ hòa giải cơ sở phân công hòa giải viên cơ sở. Có thể hiểu hòa giải tại cơ sở là phương thức hòa giải do cộng đồng dân cư ở cơ sở thực hiện, được nhà nước khuyến khích thực hiện. Vì vậy mà nó mang tính tự nguyện nhiều hơn là ép buộc. Khi các bên tham gia với tinh thần tự nguyện, nếu kết quả hòa giải thành thì các bên dễ thực hiện các vấn đề được giải quyết bởi hòa giải, bên cạnh đó còn giúp hàn gắn mối quan hệ giữa các bên.
Hòa giải cơ sở sẽ được tiến hành khi một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải, theo sự phân công của tổ hòa giải hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Hòa giải viên có thể do các bên chọn hoặc do Tổ trưởng tổ hòa giải sẽ phân công hòa giải viên tiến hành giải quyết tranh chấp, họ có quyền yêu cầu các bên tranh chấp cung cấp các tài liệu, chứng cứ.
Về thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải:
Địa điểm tiến hành hòa giả là nơi xảy ra tranh chấp hoặc do các bên, hòa giải viên lựa chọn. Sau khi được phân công, trong vòng 3 ngày hòa giải viên phải hòa giải cho các bên trừ trường hợp tại Luật Hòa giải cơ sở 2013 quy định.
Phân công hòa giải viên
Người được yêu cầu hoặc phân công làm hòa giải viên phải đáp ứng điều kiện theo Điều 7 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013:
“1. Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;
2. Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật”.
Tiến hành hòa giải tại Điều 21 Luật Hòa giải cơ sở 2013:
“1. Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.
2. Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.
3. Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.
Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
4. Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này”.
Kết quả hòa giải
+ Hòa giải thành: Khi các bên đạt được thỏa thuận, các bên có thể thỏa thuận lập văn bản và có các thông tin theo Khoản 2 Điều 24 Luật Hòa giải cơ sở 2013:
“Các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:
a) Căn cứ tiến hành hòa giải;
b) Thông tin cơ bản về các bên;
c) Nội dung chủ yếu của vụ, việc;
d) Diễn biến của quá trình hòa giải;
đ) Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;
e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
g) Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;
h) Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hòa giải viên”.
+ Trường hợp hòa giải không thành: Các bên không đạt được thỏa thuận có thể tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thep quy định của pháp luật.
Từ những quy định trên, có thể thấy việc hòa giải tại cơ sở dựa trên những quy tắc văn hóa, phong tục tập quán và quy phạm đạo đức ở địa phương và biện pháp bảo đảm thực hiện chủ yếu dựa trên sức ép của dư luận cộng đồng dân cư ở cơ sở để các bên thực hiện.
3. Tư vấn pháp luật về tranh chấp đất đai
Hãng Luật Bigboss Law là đơn vị luật sư chuyên nghiệp, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn về tranh chấp đất đai. Với dịch vụ thay mặt thực hiện các thủ tục, hồ sơ tranh chấp đất đai với một chi phí hợp lý và nhanh chóng. Quý khách vui lòng liên hệ với Hãng Luật BIGBOSS LAW để được tư vấn nhanh chóng.
Để sử dụng dịch vụ: Quý khách xin vui lòng liên hệ đến số 0978 333 379 để được luật sư tư vấn chi tiết. Xin cảm ơn.