
1. Hàng giả là gì?
Căn cứ khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì hàng giả gồm:
– Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
– Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
– Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 Luật Dược 2016;
– Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
– Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn:
+ Giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa;
+ Giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác;
+ Giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
– Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả
Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ quy định hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ như sau:
– Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hóa sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.
– Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
– Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
Như vậy, có thể phân định hàng giả thành hai loại, đó là hàng giả về hình thức và hàng giả về nội dung. Trong khoa học pháp lý không có quy định rõ ràng nào để phân biệt hai loại hàng giả nhưng qua tìm hiểu các nghiên cứu của chuyên gia và thực tiễn áp dụng pháp luật, có thể phân biệt như sau:
Thứ nhất, hàng giả về hình thức chủ yếu là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ (giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý, sao chép lậu), hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hành vi này thường nhằm mục đích lợi dụng uy tín của doanh nghiệp có thương hiệu để tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, nhưng không nhằm mục đích lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng. Hàng hóa vẫn được sản xuất tương đối bảo đảm chất lượng, đạt được cơ bản công dụng, giá trị sử dụng vốn có của nó.
Thứ hai, hàng giả về nội dung là hàng giả về chất lượng, công dụng, đây là loại không có giá trị sử dụng hoặc có giá trị sử dụng không đúng với tiêu chuẩn đã công bố. Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm đồng thời nhằm mục đích lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng. Chất lượng, giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa không được đảm bảo ngay từ khi sản xuất (bởi có những hàng hóa bị mất chất trong quá trình lưu thông thì có thể không thuộc loại hàng giả).
2. Hàng giả có phải hàng nhái không?
Thuật ngữ “hàng nhái” và “hàng giả” thường được sử dụng thay cho nhau, nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau.
Hàng giả được thiết kế để trông bề ngoài giống y như hàng thật nhưng thường được làm từ vật liệu chất lượng thấp và gắn logo, nhãn hiệu của hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng rằng đó là hàng thật.
Hàng nhái cũng là sản phẩm có kiểu dáng bên ngoài gần giống hàng thật nhưng sẽ không giống y hệt và không gắn logo, nhãn hiệu của sản phẩm thật hoặc sẽ gắn logo là biến thể của sản phẩm thật. Nói chung, đối với sản phẩm nhái, người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận biết rằng đó không phải là sản phẩm thật.
3. Phương thức mua bán hàng giả
(i) Bán hàng giả tại chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ
Tình trạng buôn bán hàng giả tại các cửa hàng và chợ truyền thống vốn đã tồn tại từ lâu, trở thành một vấn đề nan giải trong công tác quản lý thị trường. Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức các đợt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng hiệu quả mang lại chưa thực sự bền vững. Sau mỗi chiến dịch, tình trạng này lại tái diễn, thậm chí còn tinh vi hơn.
Một trong những nguyên nhân chính khiến hàng giả tiếp tục len lỏi vào thị trường truyền thống là do nguồn cung dồi dào và giá thành cực thấp. Phần lớn các mặt hàng này được nhập khẩu không chính thức từ Trung Quốc, nơi có hệ thống sản xuất hàng nhái quy mô lớn, chi phí rẻ nhưng hình thức lại ngày càng giống hàng thật. Vì lợi nhuận cao và nhu cầu thị trường vẫn còn lớn, nhiều tiểu thương và chủ cửa hàng sẵn sàng tiếp tay tiêu thụ, bất chấp vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, một bộ phận người tiêu dùng dù nhận biết được đây là hàng giả vẫn sẵn sàng chi tiền mua, bởi chúng có mẫu mã gần giống hàng thật, giá cả lại phù hợp với khả năng chi tiêu của họ. Đây là thực tế cho thấy, ngoài vấn đề pháp lý và quản lý thị trường, thì nhận thức và hành vi tiêu dùng cũng là yếu tố quan trọng góp phần kéo dài “vòng luẩn quẩn” của nạn hàng giả.
(ii) Bán hàng giả trên các sàn thương mại điện tử
Sự phát triển bùng nổ của internet trong thời gian gần đây đã mở ra cơ hội lớn cho các hoạt động kinh doanh trực tuyến phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, song hành với đó là những hệ lụy đáng lo ngại, đặc biệt là tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, lan rộng từ các nền tảng mạng xã hội đến các sàn thương mại điện tử.
Một trong những minh chứng rõ nét là các buổi livestream bán hàng trực tiếp trên Facebook, thu hút lượng người xem cực lớn, có khi lên đến hàng trăm nghìn lượt mỗi tối. Tại đây, nhiều sản phẩm được giới thiệu là hàng hiệu cao cấp như Gucci, Dior, Louis Vuitton lại được chào bán với mức giá chỉ vài trăm nghìn đồng, điều khiến người tiêu dùng không khỏi hoài nghi về tính xác thực. Bên cạnh Facebook và Zalo, những nền tảng mạng xã hội quen thuộc, TikTok cũng đang nổi lên như một kênh phân phối hàng hóa trực tuyến phổ biến, đặc biệt với giới trẻ.
Không chỉ dừng lại ở mạng xã hội, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái còn đang nở rộ trên các sàn thương mại điện tử. Chỉ với vài cú click chuột, người tiêu dùng đã có thể tiếp cận hàng loạt sản phẩm với mẫu mã, giá cả và chất lượng đa dạng. Tuy nhiên, chính sự tiện lợi ấy lại đang tạo nên một ma trận thông tin khó kiểm soát, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn gốc và độ tin cậy của sản phẩm. Đáng lo ngại hơn, các yếu tố như thông tin xuất xứ, mã số, mã vạch vốn được xem là căn cứ nhận diện sản phẩm chính hãng cũng ngày càng bị làm giả một cách tinh vi.
4. Chế tài xử lý đối với hàng giả
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân hàng giả vẫn “lộng hành” bởi chế tài xử phạt những hành vi này còn thiếu, chưa đủ mạnh, cũng có ý kiến cho rằng vấn đề là ở chỗ hiệu quả thực thi chế tài chưa cao. Dưới đây là một số quy định xử phạt và khó khăn khi áp dụng:
(i) Về xử phạt vi phạm hành chính
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (từ Điều 9 đến Điều 12) quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3; hành vi sản xuất, hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ khoản 7 Điều 3. Trong đó, tùy thuộc vào từng trường hợp mà mức phạt có thể từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Đồng thời, nếu hành vi vi phạm được thực hiện đối với một số loại hàng đặc biệt thì mức phạt tiền có thể gấp hai lần. Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Đây là văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp, đầy đủ nhất để tạo cơ sở xử phạt vi phạm hành chính hàng giả, hàng nhái.
Bên cạnh đó, việc sản xuất, buôn bán hàng giả thông qua các phương thức, hình thức nào đó, nhất là qua website thương mại điện tử, ứng dụng điện thoại di động thì có thể bị xử phạt về hành vi vi phạm kinh doanh qua ứng dụng, như: Phạt vi phạm về hành vi “cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet” (điểm c khoản 3 Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP); hành vi “lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động” (điểm a khoản 6 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP)…
Có thể nhận thấy, trong Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, Điều 9 và Điều 10 (hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng) là quy định xử phạt đối với hàng giả về nội dung, còn Điều 11 và Điều 12 (hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa) là quy định xử phạt đối với hàng giả về hình thức. Trên thực tế có một vấn đề khó khăn vì dễ gây nhầm lẫn đối với quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, cụ thể: Điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, nhập khẩu, buôn bán chất chuẩn, chuẩn đo lường “không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường” đã được tổ chức, cá nhân công bố. Quy định này tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP không được áp dụng đối với hàng giả mà chỉ áp dụng đối với sản phẩm “không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường” được công bố. Tuy nhiên, tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP lại có mô tả hàng giả là “có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng” hay “có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng” đã công bố. Điều này dễ dẫn đến sự nhầm lẫn áp dụng pháp luật giữa xử lý về hàng giả và xử lý về hàng không phù hợp yêu cầu kỹ thuật đo lường.
Hiện nay, dự thảo Nghị định về sửa đổi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP đang được hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. Dự thảo được xây dựng hướng tới mục tiêu quan trọng là bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có việc hạn chế hàng giả, hàng nhái. Một trong những quy định được bổ sung tại dự thảo đó là Điều 46b – hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh. Điều khoản này quy định hành vi “không bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà mình bán, cung cấp cho người tiêu dùng” có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Đây là mức phạt hơi thấp. Quy định này nhằm lấp vào chỗ trống đối với việc xử phạt bán hàng nói chung và bán hàng giả nói riêng qua trang cá nhân không đăng ký kinh doanh. Hi vọng rằng, những sửa đổi, bổ sung tại dự thảo sẽ góp phần giảm thiểu hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, nếu các hành vi vi phạm về hàng giả có các dấu hiệu liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh thì cũng có thể bị xử lý căn cứ theo quy định tại Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26/9/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.
(ii) Về xử lý hình sự
* Nếu hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm
Theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
* Nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh
Theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
* Nếu hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi
Theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
* Nếu hàng giả không thuộc các trường hợp nêu trên
Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào sản xuất hoặc buôn bán hàng giả không thuộc các trường hợp nêu trên thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 09 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Ngoài ra, tùy theo tính chất và mức độ của sự việc mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.
5. Giải pháp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả
Một là, cần hoàn thiện quy định pháp luật tập trung một số nội dung sau: (i) Xây dựng khái niệm về hàng giả một cách khái quát, thống nhất để tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, tránh gây nhầm lẫn; (ii) Hoàn thiện để sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP; bổ sung vào dự thảo nội dung sửa đổi khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP để tránh gây nhầm lẫn với trường hợp quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP; (iii) Hướng dẫn cụ thể, rõ ràng tạo thuận lợi cho việc truy cứu tội về sản xuất, buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… theo các điều 192, 193, 194, 195 về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả; (iv) Hướng dẫn cụ thể về thời điểm xác định hoàn thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả; (v) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm thực hiện hiệu quả Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023).
Hai là, đối với cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện một số biện pháp sau: Nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật về phòng, chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; sớm vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; tuyên truyền, phổ biến các thông tin về phòng, chống hàng giả (pháp luật, các website vi phạm, cách nhận biết hàng giả…) bằng nhiều hình thức, nhiều phương tiện để tăng cơ hội tiếp cận, nhận thức của doanh nghiệp, người dân; tăng cường hợp tác quốc tế về chống hàng giả, hàng nhái; tăng cường phối hợp, chia sẻ dữ liệu, thông tin với các cơ quan liên quan để kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, đặc biệt là hoạt động thông qua môi trường thương mại điện tử.
Ba là, đối với doanh nghiệp, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hàng giả, hàng nhái, cụ thể như: Đăng ký sở hữu trí tuệ đặc biệt là nhãn hiệu hàng hóa; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và thông tin đến cơ quan chức năng; sử dụng các biện pháp như tem chống hàng giả, tem xác thực, tem truy xuất nguồn gốc…;.
Bốn là, đối với người dân, cần nâng cao nhận thức về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; nâng cao cảnh giác bằng việc kiểm tra tem, nhãn, mã vạch, truy xuất nguồn gốc; nói “không” với hàng giả, hàng nhái; lựa chọn nơi, kênh mua sắm uy tín; thông tin cho doanh nghiệp, cơ quan chức năng (đặc biệt là Ban chỉ đạo 389 chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về hàng giả.
6. Tố cáo bán hàng giả ở đâu?
(i) Tố cáo tại các cơ quan có thẩm quyền
Căn cứ theo quy định tại Điều 145 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 được hướng dẫn bởi Điều 5 và Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
– Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
– Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
- a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
- b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.”
Như vậy, khi phát hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, người dân có thể trình báo đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tổng Cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh. Bên cạnh đó, luật cũng quy định xử lý nghiêm hành vi che giấu, không tố giác hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 389, 390 Bộ luật Hình sự 2015.
(ii) Dịch vụ hỗ trợ ngăn chặn và đối phó với tình trạng hàng giả
Với đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, tận tâm và giàu kinh nghiệm, Hãng Luật Bigboss Law cung cấp giải pháp pháp lý toàn diện trong việc xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Các dịch vụ của Hãng Luật Bigboss Law trong lĩnh vực này bao gồm:
– Tư vấn chuyên sâu về quy trình pháp lý và các biện pháp xử lý hiệu quả đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả;
– Hỗ trợ toàn diện trong việc chuẩn bị và nộp hồ sơ yêu cầu giám định yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
– Soạn thảo chuyên nghiệp các văn bản pháp lý, bao gồm cả văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm gửi tới các đối tượng liên quan;
– Đại diện ủy quyền nộp đơn và theo dõi quá trình xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền;
– Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp, bảo vệ quyền và lợi ích tối đa của chủ sở hữu trong suốt quá trình giải quyết vụ việc;
– Thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan khác nhằm đảm bảo giải quyết vụ việc một cách triệt để và hiệu quả nhất.
Bigboss Law cam kết mang đến dịch vụ pháp lý chất lượng cao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của khách hàng một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
7. Tổng đài tư vấn pháp luật qua điện thoại
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!