Đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư? Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư như thế nào?
Hiện nay, Nhà nước khuyến khích đầu tư bằng cách đưa ra chính sách “ưu đãi đầu tư” dành cho các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư vào các ngành, nghề đặc thù, các địa bàn có điều kiện khó khăn hoặc các dự án đầu tư đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật về quy mô, thời gian, số lượng lao động,…
1. Đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư
Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 được hướng dẫn bởi Điều 19 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì có 07 đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư của Nhà nước bao gồm:
– Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Đầu tư 2020;
– Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Đầu tư 2020;
– Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động;
– Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật;
– Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển;
– Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư
Vậy khi thuộc vào các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư được quy định tại Điều 17 Luật Đầu tư 2020 được hướng dẫn bởi Điều 23 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:
– Đối với nhà đầu tư có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận nhà đầu tư thì căn cứ vào nội dung ưu đãi đầu tư được ghi trong các Quyết định nêu trên, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.
– Đối với một số doanh nghiệp, dự án đầu tư như doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ hay dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao thì căn cứ để áp dụng ưu đãi đầu tư dựa vào Giấy chứng nhận hay Giấy xác nhận tương ứng với từng doanh nghiệp, dự án cụ thể. Theo đó, nhà đầu tư cũng phải tự thực hiện các thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư dựa trên căn cứ là các Giấy chứng nhận hoặc Giấy xác nhận nêu trên.
– Đối với dự án đầu tư không thuộc hai trường hợp nêu trên, nhà đầu tư căn cứ vào đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư 2020 và quy định của pháp luật có liên quan (đã được trình bày ở phần trước) để tự xác định xem mình có thuộc vào đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư hay không. Nếu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.
Như vậy, nhìn chung khi thực hiện các thủ tục để áp dụng ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư phải dựa vào các căn cứ ưu đãi đầu tư được ghi trong các Quyết định, Giấy chứng nhận hay Giấy xác nhận được Cơ quan nhà nước cấp hoặc phải tự xác định ưu đãi đầu tư khi không thuộc các trường hợp được cấp các Quyết định, Giấy chứng nhận, Giấy xác nhận như trên. Sau đó, nhà đầu tư đến các cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với loại ưu đãi đầu tư như cơ quan thuế, cơ quan tài chính hay cơ quan hải quan để thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư.
Người đăng: Yến Linh