Bài viết này tập trung phân tích sâu về quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam đối với việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm thuộc ngành mỹ phẩm và thực phẩm, theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Nội dung trình bày định nghĩa pháp lý về kiểu dáng công nghiệp, nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức sản phẩm trong việc định hình thương hiệu và tạo lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, bài viết làm rõ các điều kiện tiên quyết để kiểu dáng được bảo hộ, bao gồm tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp, cùng với danh mục các đối tượng không đủ điều kiện bảo hộ. Cuối cùng, chúng tôi cung cấp hướng dẫn chi tiết về hồ sơ cần thiết để nộp đơn, đảm bảo tính pháp lý và hiệu quả trong quá trình bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
1. Kiểu dáng công nghiệp là gì và tầm quan trọng trong ngành mỹ phẩm/thực phẩm?
Luật SHTT 2022 định nghĩa, kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.
Các sản phẩm trong ngành mỹ phẩm/thực phẩm có thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp bao gồm:
– Bao bì, chai, lọ, hộp đựng (ví dụ: vỏ chai Coca Cola, chai nước hoa, lọ kem dưỡng, hộp bánh kẹo, vỏ chai nước giải khát có hình dáng độc đáo,…).
– Dáng của chính sản phẩm (ví dụ: thanh chocolate Tobrelone, bánh quy có hoa văn độc đáo, thỏi son với thiết kế khác biệt,…).
2. Điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 thì kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thì phải thỏa mãn những điều kiện sau đây:
Có tính mới: Kiểu dáng đó phải khác biệt đáng kể so với các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai ở Việt Nam hoặc nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký hoặc ngày ưu tiên (nếu có). Nói cách khác, kiểu dáng của sản phẩm phải chưa từng xuất hiện dưới bất kỳ hình thức công bố nào – như trưng bày, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hay bày bán công khai – trước thời điểm nộp đơn.
Có tính sáng tạo: Kiểu dáng đó không được dễ dàng tạo ra đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng. Tức là, nó phải vượt qua ngưỡng của một thay đổi đơn giản, thông thường.
Có khả năng áp dụng công nghiệp: Kiểu dáng đó có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có kết cấu và chức năng giống nhau bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
3. Tài liệu
Tài liệu tối thiểu:
– Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đánh máy theo mẫu số 07 Phụ lục I của Nghị định 65/2023/NĐ-CP (Mẫu đính kèm).
– 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp; [Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, bản kiểu dáng công nghiệp phải bao gồm các nội dung sau:
Tên kiểu dáng công nghiệp;
Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp;
Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất;
Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ;
Phần mô tả chi tiết kiểu dáng công nghiệp;
Yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp].
– 04 Bộ ảnh chụp/bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.
– Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Các tài liệu khác (nếu có):
– Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);
– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác). Ví dụ: Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn… (nếu có);
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên)
4. Tổng đài tư vấn pháp luật qua điện thoại
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!