Câu hỏi của khách hàng: Tôi làm bộ phận hành chính nhân sự của Công ty. Ba tháng trước công ty có tuyển dụng anh A làm kế toán trưởng . Sau 2 tháng thử việc Công ty ký Hợp đồng lao động chính thức với thời hạn 1 năm của anh A. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc Công ty phát hiện anh A có rất nhiều lỗ hỏng kinh nghiệm, kiến thức. Thông qua một số người quen của công ty cũ anh A làm, tôi phát hiện anh A có hành vi làm giả thông tin tại CV xin việc như kê khai khống số năm làm việc, vị trí làm việc tại công ty cũ…Do đó, hiện nay lãnh đạo muốn chấm dứt HĐLĐ với anh A, vậy công ty có chấm dứt HĐLĐ với anh A với lý do trên có được không? Công ty phải làm gì để bảo vệ mình trong trường hợp anh A khởi kiện ra Tòa?
Giải đáp thắc mắc của khách hàng:
1. Đối với việc Công ty muốn chấm dứt hợp đồng lao động với anh A:
Trong sự việc trên Công ty có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ với anh A. Bởi vì trong quá trình công ty tuyển dụng anh A đã có hành vi làm giả thông tin CV xin việc bằng cách kê khai sai số năm làm việc và vị trí làm việc tại công ty cũ nhằm đáp ứng các thông tin tuyển dụng công ty, làm cho công ty hiểu sai về CV của anh A. Vì vậy công ty đã tuyển dụng anh A vào làm việc và hậu quả là phát hiện anh A không đáp ứng được yêu cầu công việc, có nhiều lỗ hỏng trong kiến thức và kinh nghiệm.
Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp “Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.”
2. Đối với việc Công ty phải làm gì để bảo vệ mình khi anh A khởi kiện ra Tòa:
Công ty phải chứng minh được 2 yếu tố để bảo vệ mình khi anh A khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền là thông tin mà anh A cung cấp trong CV khi ứng tuyển và tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động với công ty là bị sai, thiếu trung thực và chứng minh mối quan hệ nhân quả khi anh A cung cấp sai thông tin chính là nguyên nhân mà nếu như thông tin đó được cung cấp chính xác thì công ty không tuyển dụng anh A vào làm việc.
Thứ nhất: Hiện nay, phía công ty biết được sư việc chỉ dựa vào việc có người quen kể lại, mà những điều này không phải là căn cứ sát đáng để bảo vệ mình trước Tòa án mà Công ty phải làm Công văn gửi cho Công ty cũ của anh A có kê khai sai thông tin để xin xác nhận về thời gian làm việc, chức vụ làm việc từ đó có căn cứ đúng để chứng minh anh A không trung thực trong thông tin CV. Trường hợp Công ty này không phải hồi thì có thể yêu cầu Tòa án thay mình xác thực thông tin.
Thứ hai: Công ty phải dựa vào thông tin tuyển dụng, xem thử có yêu cầu về kinh nghiệm, số năm làm việc, chức vụ làm việc để làm căn cứ tuyển dụng hay không mới có cơ sở cho rằng anh A kêu khai sai mới được nhận vào công ty làm việc. Hoặc trong quá trình làm việc có ghi nhận bằng văn bản nào cho thấy anh A không hoàn thành công việc, có lỗ hổng trong kiến thức, kinh nghiệm gây hậu quả cho công ty hoặc không đáp ứng được yêu cầu công việc không. Đây đều là những căn cứ quan trong giúp cho việc chứng minh quyết định chấm dứt hợp đồng với anh A là đúng quy định của pháp luật.
Thứ 3: Trong trường hợp Công ty tiến hành đơn phương chấm dứa hợp đồng lao động với anh A thì phải đảm bảo thời gian báo trước, chứng minh anh A vi phạm, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ mà người sử dụng lao động phải thực hiện khi chấm dứt hợp đồng với người lao động. Tránh trường hợp, anh A dựa vào những lí do này để kiện cáo phía Công ty.