Dự thảo Luật quy định các chính sách hỗ trợ việc làm cho tất cả người lao động, không có sự phân biệt. Các chính sách hỗ trợ việc làm đối với người khuyết tật; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng bởi sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Luật việc làm bao gồm 08 chương, 55 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
1. Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 38 Dự thảo Luật việc làm quy định Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
– Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Lao động;
b) Người lao động nghỉ việc khi đủ điều kiện hưởng lương hưu.
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 12 tháng thì phải đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
– Đã nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội;
b) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, dân quân thường trực;
c) Đi học tập có thời hạn trên 12 tháng;
d) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
đ) Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù;
e) Ra nước ngoài định cư;
g) Chết.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
2. Mức hưởng, thời gian hưởng, thời điểm hưởng và hồ sơ, trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Theo quy định tại Điều 39 Dự thảo Luật việc làm về mức hưởng, thời gian hưởng, thời điểm hưởng và hồ sơ, trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
– Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
– Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng.
– Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày làm việc thứ 11 kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
– Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, bao gồm thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật này. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
– Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
3. Chuyển nơi hưởng, tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng và hủy hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Tại Điều 41 Dự thảo Luật Việc làm nêu rõ việc chuyển nơi hưởng, tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng và hủy trợ cấp thất nghiệp như sau:
– Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động được chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có nhu cầu.
– Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 40 của Luật này. Người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp trong thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp và thời gian tạm dừng thì không được bảo lưu.
– Người lao động bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu vẫn còn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 40 của Luật này.
– Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội;
b) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, dân quân thường trực;
c) Hưởng lương hưu hằng tháng;
d) Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do tổ chức dịch vụ việc làm công nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;
đ) Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 40 của Luật này trong 03 tháng liên tục;
e) Ra nước ngoài để định cư;
g) Đi học tập có thời hạn trên 12 tháng;
h) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
i) Chết;
k) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Bị tòa án tuyên bố mất tích;
m) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
n) Theo đề nghị của người lao động.
– Người lao động bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, g, k, l, m và n khoản 4 Điều này được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo trừ trường hợp không thông báo tình trạng của người lao động quy định tại các điểm a, b, g, k, l, m và n khoản 4 Điều này.
– Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định các trường hợp hủy hưởng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
4. Tổng đài tư vấn pháp luật qua điện thoại
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!