Anh Việt ở Tiền Giang có câu hỏi như sau:
Câu hỏi: Tháng 8/2024 cha mẹ em có tổ chức lễ hỏi cho em với vợ tương lai của e là bạn H. Trong lễ hỏi này cha mẹ em có trao cho bạn H các sính lễ gồm: 02 nhẫn trọng lượng mỗi chiếc 1 chỉ vàng 18 kara; 01 dây chuyền trọng lượng 4 chỉ vàng 24 kara; 02 chiếc lắc trọng lượng mỗi chiếc 02 chỉ vàng 24 kara; 02 chiếc nhẫn trọng lượng mỗi chiếc 01 chỉ vàng 24 kara; 01 đôi bông tai hột xoàn trị giá 51.000.000 đồng. Hai bên gia đình dự định tháng 11/2025 sẽ tổ chức lễ cưới. Sau khi tổ chức lễ hỏi 1 thời gian thì em và bạn H có mẫu thuẫn nhau và hai bên đã không tiến hành lễ cưới. Hiện tại bọn em cũng chưa đăng ký kết hôn.
1. Giờ cha mẹ em muốn đòi lại số sính lễ mà cha mẹ e đã mua có được không?
2. Phải chuẩn bị những tài liệu chứng cứ gì thưa luật sư?
Luật sư trả lời:
H: Việc trao sinh lễ cho con dâu tương lai trong lễ hỏi nhưng cuối cùng thì hai bên không đi đến hôn nhân có đòi được không?
Đ: Theo phong tục cưới hỏi của người Việt Nam, nhà trai khi cưới vợ phải chuẩn bị một khoản gọi là tiền thách cưới (hay dẫn cưới, nạp tài,..) để chuẩn bị các vật phẩm, sính lễ mang đến nhà gái hỏi cưới cô dâu. Đây được coi là lời cảm ơn chân thành của nhà trai đến nhà gái vì đã có công sinh thành, nuôi dưỡng con dâu mà họ sắp rước về và cũng là thành ý của nhà trai chăm lo cho con dâu trước ngày thành hôn.
Khoản tiền này vốn dĩ mang ý nghĩa tốt đẹp, là sự tự nguyện của nhà trai khi hỏi cưới vợ. Tuy nhiên trên thực tế lại xảy ra nhiều trường hợp hai người không thể tổ chức lễ cưới sau khi ăn hỏi hoặc vợ chồng lấy nhau về, chung sống không hòa hợp dẫn đến ly hôn và người chồng hoặc gia đình chồng đòi lại tiền thách cưới hoặc sính lễ.
Theo như bạn Việt trình bày thì hai bên gia đình bạn và nhà người yêu là bạn H đã tiến hành tổ chức lễ hỏi vào tháng 8 năm nay, dự định tháng 11 năm nay tổ chức hôn lễ cho hai bạn nhưng do mâu thuẫn nên hôn sự bị hủy bỏ. Tại ngày làm lễ hỏi cha mẹ bạn Việt có trao cho bạn H các sính lễ gồm: 02 nhẫn trọng lượng mỗi chiếc 1 chỉ vàng 18 kara; 01 dây chuyền trọng lượng 4 chỉ vàng 24 kara; 02 chiếc lắc trọng lượng mỗi chiếc 02 chỉ vàng 24 kara; 02 chiếc nhẫn trọng lượng mỗi chiếc 01 chỉ vàng 24 kara; 01 đôi bông tai hột xoàn trị giá 51.000.000 đồng. Mục đích của việc trao sính lễ cho con dâu tương lai là để hai bạn tiến tới hôn nhân, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bản chất của việc tặng cho sính lễ trước khi tiến tới hôn nhân là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện và điều kiện tặng cho là các bên tiến tới hôn nhân, việc tặng cho tài sản giúp các con có vốn để phát triển kinh tế sau hôn nhân. Nếu hai bên không có ý định tiến tới hôn nhân, không làm lễ hỏi thì cũng không phát sinh việc tặng cho sính lễ cho cô con dâu tương lai. Do hai bạn không thể tiến tới hôn nhân (hủy bỏ lễ cưới, không đăng ký kết hôn) nghĩa là điều kiện tặng cho không xảy ra và việc hai bạn không thể đi đến hôn nhân thì lỗi là của hai bên, mâu thuẫn từ chính hai bạn, cha mẹ bạn Việt không có lỗi do đó cha mẹ bạn Việt có quyền đòi lại tài sản theo quy định tại Điều 462 Bộ luật dân sự 2015.
“Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
H: Các tài liệu chứng cứ cha mẹ bạn cần chuẩn bị trước khi khởi kiện
Đ: Để xác định các tài sản là sính lễ vàng cưới, kim cương trao trong ngày cưới là tài sản hợp pháp của cha mẹ bạn thì cần phải chuẩn bị các hóa đơn chứng từ mua bán hợp lệ. Các hóa đơn mua bán hợp lệ thể hiện sính lễ do cha mẹ bạn mua hoặc là được chính bạn H thừa nhận thì cũng có căn cứ để kiện đòi. Ngoài ra, kèm theo đơn khởi kiện bạn phải sao y căn cước công dân của cha mẹ bạn kèm theo hóa đơn chứng từ mua bán vàng, kim cương, ngoài ra bạn cũng có thể nộp thêm tài liệu chứng cứ khác như video, hình ảnh ngày làm lễ hỏi, …..
H: Thưa luật sư trường hợp như của bạn Việt giả sử hai bạn đến được với nhau (có tổ chức hôn lễ và đa đăng ký kết hôn) sau này khi chung sống phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn thì bạn Việt có thể đòi lại số sính lễ nêu trên không?
Đ: Như tôi đã phân tích ở trên thì việc tặng cho sính lễ trước khi cưới (đăng ký kết hôn) là tặng cho tài sản có điều kiện và điều kiện tặng cho là hai bên tiến tới hôn nhân (có đăng ký kết hôn hợp pháp). Do đó, nếu bạn Việt và bạn H đã đăng ký kết hôn thì hợp đồng tặng cho có điều kiện đã hoàn thành toàn bộ số sính lễ trên sau khi đăng ký kết hôn trở thành tài sản chung của vợ chồng bạn Việt theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình 2014 (tài sản được tặng cho chung).
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Do đó, trường hợp trong quá trình vợ chồng phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn mà a Việt có yêu cầu đòi lại sính lễ thì sẽ không được chấp nhận, nếu tài sản là sính lễ hiện vẫn còn thì anh Việt phải yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng khi giải quyết tranh chấp Tòa án sẽ áp dụng các quy định của Luật hôn nhân gia đình tại các Điều 38, 59, … và các văn bản hướng dẫn thi hành luật hôn nhân gia đình để giải quyết yêu cầu chia tài sản. Đặc biệt quá trình chia tài sản tòa án cũng sẽ xác định bên nào có lỗi dẫn đến ly hôn để căn cứ xem xét việc chia tài sản chung.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của luật sư đối với trường hợp của bạn.