Ly hôn là sự kiện pháp lý, dẫn đến việc chấm dứt quan hệ vợ, chồng.[1] Ly hôn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của con. Trong rất nhiều vụ án về hôn nhân gia đình, ngoài các yêu cầu liên quan đến việc chia tài sản thì các tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con cũng rất phổ biến. Đối với cha mẹ, khi ly hôn thông thường sẽ có một bên chịu nhiều gánh nặng về tinh thần, để đảm bảo cho con vui chơi, học tập,.. còn bên còn lại tuy không trực tiếp nuôi dưỡng nhưng họ lại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn thuộc về ai?
Trong các vụ tranh chấp về quyền nuôi con, thông thường bên có yêu cầu giành quyền nuôi con họ sẽ kèm theo yêu cầu cấp dưỡng cho con số tiền cụ thể. Nếu đương sự không chấp nhận mức cấp dưỡng do không đồng ý hoặc yêu cầu cấp dưỡng mức thấp hơn thỏa thuận thì Tòa án sẽ xem xét và giải quyết.
Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 giải thích:
“Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu”.[2]
Cấp dưỡng trong quan hệ cha, mẹ với con được xem là nghĩa vụ bắt buộc, nghĩa vụ cấp dưỡng này gắn liền với quyền nhân thân nên không thể chuyển giao cho người khác, không thể thay thế và buộc họ phải thực hiện.[3]
Điều kiện để con được cấp dưỡng: Con phải là con chưa thành niên; con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi bản thân. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa mối quan hệ cha mẹ với con. Con chưa thành niên đương nhiên được cấp dưỡng, con đã thành niên phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật. Con chưa thành niên vẫn được cấp dưỡng bởi lẽ họ chưa phát triển toàn diện để tự đảm bảo cuộc sống cá nhân, và họ có quyền nghĩa vụ được hưởng trợ cấp này.
Tại Điều 83 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định rằng người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Khi họ không thực hiện nghĩa vụ, thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện: “Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này”.
Do đó, người không trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Mức cấp dưỡng cho con sau ly hôn được xác định như thế nào?
Mức cấp dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình:
“Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Ta có thể thấy rằng, xác định mức cấp dưỡng dựa trên thỏa thuận thực hiện giữa người không trực tiếp nuôi dưỡng với người trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, nếu cả hai không thỏa thuận được thì khi đó, đương sự có thể yêu cầu Tòa án xác định mức cấp dưỡng. Thỏa thuận xác định mức cấp dưỡng căn cứ dựa trên thu nhập, khả năng của người có nghĩa vụ và nhu cầu của con.
Phương thức thực hiện cấp dưỡng: Sau khi đã xác định được mức cấp dưỡng, người có nghĩa vụ phải thực hiện đúng và đầy đủ như phương thức cấp dưỡng đã thỏa thuận. Họ có thể thỏa thuận về thời gian thực hiện cấp dưỡng.
Hiện nay, có 2 phương thức phổ biến để thực hiện nghĩa vụ này: Định kỳ và một lần. Phương thức thực hiện định kỳ có thể hiểu là việc thực hiện nghĩa vụ nhiều lần, đều đặn theo thỏa thuận hay quyết định của Tòa án: định kỳ định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm. Còn đối với phương thức cấp dưỡng một lần là khi bên có nghĩa vụ giao khoản tiền mà hai bên đã thỏa thuận để cấp dưỡng cho con của họ. [4]
Thực hiện cấp dưỡng, bên có nghĩa vụ có thể thực hiện bằng tiền hoặc tài sản có thể quy đổi thành tiền. Người có nghĩa vụ có thể thay đổi phương thức cấp dưỡng hoặc yêu cầu tạm thời ngừng cấp dưỡng khi mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Sau khi đã thỏa thuận mức cấp dưỡng, các bên có thể yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng được hay không?
Các bên có thể thay đổi mức cấp dưỡng sau khi đã thỏa thuận. Căn cứ vào Khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:
“Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Khi các bên có yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng, các bên phải đưa ra lý do cụ thể. Khi lý do đó được xem là chính đáng, thì các bên có thể thỏa thuận lại, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Lý do đó có thể là xuất phát từ bên có nghĩa vụ: do hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện để cấp dưỡng cho con, hoặc là nhu cầu thiết yếu của con tăng lên….
Người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện nghĩa vụ này đến khi nào?
Việc chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện theo Điều 118 Luật Hôn nhân gia đình 2014:
Điều 118 về chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng:
“Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
6. Trường hợp khác theo quy định của luật”.
Đối với cấp dưỡng một lần, thực hiện xong thì nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt, còn cấp dưỡng định kỳ, khi có một trong các điều kiện về chấm dứt theo Điều 118 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì bên không trực tiếp nuôi dưỡng không phải thực hiện nghĩa vụ.
Cấp dưỡng cho con khi ly hô là nghĩa vụ của cha, mẹ với con cái. Tùy thuộc vào điều kiện vật chất của người không trực tiếp nuôi dưỡng cũng như nhu cầu thiết yếu của con để các bên thỏa thuận mức cấp dưỡng phù hợp. Tòa án chỉ can thiệp khi mà các bên không thống nhất được mức cấp dưỡng.
[1] Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[2]Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[3] Điều 107 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[4] Điều 117 Luật Hôn nhân gia đình 2014.