Phổi thủng như tổ ong, thở như cá mắc cạn, cơ thể cắm đầy thiết bị xâm nhập… là nỗi thống khổ mà hàng triệu bệnh nhân COVID-19 trải qua trước khi trút hơi thở cuối cùng, theo lời kể của bác sĩ.
Gần 2,5 triệu người đã ra đi vì bệnh COVID-19 trên khắp thế giới – một con số thống kê vô hồn vì hiếm ai tận mắt nhìn thấy những ngày cuối cùng của họ trong phòng bệnh trước khi lìa đời, kể cả người thân. Theo mô tả của các bác sĩ thì đó là nỗi thống khổ không bút mực nào tả xiết.
“Phần lớn những gì tôi chứng kiến diễn ra sau tấm màn đóng kín, công chúng bình thường không ai thấy được cảnh này, thậm chí gia đình bệnh nhân thấy rất ít. Nhờ vậy phần lớn chúng ta thoát được việc phải chứng kiến thứ tồi tệ nhất của căn bệnh này” – bác sĩ Todd Rice, chuyên gia về phổi và chăm sóc tích cực thuộc Trung tâm y khoa Đại học Vanderbilt (Mỹ), tâm sự với trang tin Vox.
“Phổi thủng như tổ ong” và cảm giác “cái chết đến gần”
Sự giày vò của COVID-19 có thể bắt đầu khá lâu trước khi một người bệnh nặng đến mức phải vào phòng cấp cứu.
Virus SARS-CoV-2 tấn công hai lá phổi khiến bệnh nhân càng lúc càng khó hấp thụ đủ ôxy với mỗi hơi thở. Nó có nghĩa họ phải thở mỗi lúc lúc một nhanh hơn – từ mức trung bình 14 lần/phút lên đến 30 hoặc 40 lần. Cảm giác “hớp không khí” này dễ khiến người ta hoảng loạn.
“Hãy tưởng tượng bạn đang thở bằng một cái ống hút rất hẹp. Bạn có thể làm vậy trong 15-20 giây, nhưng thử làm trong 2 giờ mà xem, rồi thậm chí nhiều ngày hoặc nhiều tuần” – bác sĩ Jess Mandel, chuyên gia phổi và chăm sóc tích cực thuộc Bệnh viện UC San Diego Health, giải thích.
Còn theo bác sĩ Kenneth Remy, bệnh nhân mắc COVID-19 kể với ông rằng họ cảm thấy phổi như đang bị lửa đốt, hoặc hàng ngàn con ong đang cùng chích bên trong lồng ngực. Có người phổi bị tràn dịch nên có cảm giác như thở qua bùn, và có người cảm thấy như đang bị bóp nghẹt…
Sự hành hạ dữ dội đến mức nhiều bệnh nhân ước cái chết trong cơn đau. “Họ nói ‘tôi chỉ muốn đi thôi vì cảm giác này kinh khủng quá’. Đó là thứ con virus này gây ra” – bác sĩ Remy kể.
Bác sĩ Todd Rice, Đại học Vanderbilt, đặc biệt lưu ý có điều gì đó khác lạ ở bệnh nhân COVID-19 mà ông chăm sóc so với những bệnh nhân khác, đó là nhiều người có cảm giác cận kề.
Bác sĩ Meilinh Thi, Trung tâm y khoa Đại học Nebraska, cũng chia sẻ cùng trải nghiệm: “Rất nhiều bệnh nhân, bất kể tuổi tác, cảm nhận được sự ra đi đang đến gần. Họ nói thẳng với tôi rằng họ có cảm giác sắp chết, và một cách đáng sợ là những bệnh nhân đó cuối cùng đều qua đời”.
Sống chết như tung một đồng xu
Khi một ai đó mắc COVID-19 nặng đến mức cần gắn máy thở, cơ hội sống sót của họ nằm ở mức 40-60%, bác sĩ Kenneth Remy ước tính.
“Cơ may này giống như anh tung một đồng xu, và anh có thể sống, hoặc nằm trong số những người phải chết” – ông so sánh.
Bác sĩ Remy nhớ lại có một tuần lễ đặc biệt khó khăn xảy ra hồi mùa thu năm 2020, khi đó ông chăm sóc cho một số bệnh nhân độ tuổi 40-50 không qua khỏi. Hầu hết họ đều béo phì nhưng đều khoẻ mạnh trước khi mắc COVID-19.
“Một bệnh nhân trút nỗi lòng trước khi tôi đặt ống thở: (Ông) hãy cho mọi người biết đây là sự thật, phổi của tôi như bị lửa đốt, như bị ong chích, tôi không thở được. Làm ơn hãy nói để mọi người đeo khẩu trang… bởi vì tôi không mong điều này xảy ra thậm chí với kẻ thù lớn nhất của mình”.
Sau khi bệnh nhân đó qua đời, bác sĩ Remy đăng một đoạn video với nội dung cảnh báo lên mạng Twitter.
Ở các bệnh viện Mỹ, nếu thể trạng bệnh nhân suy yếu chậm, các sĩ có thể thu xếp để họ nói chuyện với gia đình trước khi đặt nội khí quản, bởi vì sau đó họ có thể bất tỉnh hoặc không còn khả năng nói chuyện cho đến lúc chết.
Tuy nhiên, đa phần bệnh nhân đều diễn biến rất nhanh nên trước khi gây mê người cuối cùng họ tiếp xúc một cách tỉnh táo thường là bác sĩ. “Bất cứ ai đều có thể rơi vào hoàn cảnh đó” – bác sĩ Todd Rice cho biết.
“Mặc dù có quy định cách ly nghiêm ngặt bệnh nhân COVID-19, chúng tôi luôn cố gắng không để họ qua đời một mình. Với những người diễn biến quá nhanh, không đủ thời gian gọi gia đình, bác sĩ và y tá sẽ đứng vây quanh. Họ sẽ ra đi trong lúc được làm thủ thuật hồi sinh tim phổi, hoặc nếu không có lệnh, mọi người chỉ đứng nhìn.
Với những người còn thời gian, thành viên gia đình trong trang phục bảo vệ toàn thân (PPE) sẽ được vào thăm. Đến lúc này chúng tôi chỉ thực hiện các biện pháp giảm đau, thậm chí vậy, khi ống nội khí quản được rút ra bệnh nhân thường thở gấp hoặc ho do cơ thể đấu tranh để hút ôxy trước khi họ chết” – bác sĩ Meilinh Thi kể chi tiết.
Mặc dù bệnh nhân luôn được chăm sóc hết lòng nhưng các bác sĩ Mỹ đều cảm nhận chết vì COVID-19 là cái chết kinh khủng nhất họ từng chứng kiến.
Bác sĩ Remy, sau nhiều năm chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm hấp hối trên khắp thế giới, chỉ biết nói một câu: “Tôi không biết có căn bệnh nào khác tàn phá cơ thể và tâm trí con người kinh khủng như thế”.
Có lẽ đó là lý do tại sao bệnh nhân nọ van nài ông khuyên những người khác đeo khẩu trang trước khi chìm vào hôn mê.
Người đăng: Sang Lee