1. Quy định về mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 1/7/2025
Từ ngày 1/7/2025, danh mục địa bàn cấp xã áp dụng mức lương tối thiểu sẽ thực hiện theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 128/2025/NĐ-CP (việc xác định vùng theo đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chuyển sang xác định theo đơn vị hành chính cấp xã).
Về mức lương tối thiểu vùng vẫn được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Vùng |
Mức lương tối thiểu tháng (đồng/tháng) |
Mức lương tối thiểu giờ (đồng/giờ) |
Vùng I |
4.960.000 |
23.800 |
Vùng II |
4.410.000 |
21.200 |
Vùng III |
3.860.000 |
18.600 |
Vùng IV |
3.450.000 |
16.600 |
Lưu ý: Theo khoản 7 Điều 15 Nghị định 128/2025/NĐ-CP
“Khi áp dụng mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo địa bàn cấp xã tại Phụ lục kèm theo Nghị định này mà có trường hợp mức lương tối thiểu thấp hơn so với trước thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2025 thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu như đã áp dụng đối với địa bàn cấp huyện trước thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2025 cho đến khi Chính phủ có quy định mới.”
Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động được thực hiện theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
“a) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
b) Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
c) Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
d) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
đ) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
e) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục kèm theo Nghị định này.”
2. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 2025 sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về tiền lương như sau:
“3. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.”
3. Biện pháp khắc phục với hành vi người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng 2025
Căn cứ theo điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về tiền lương như sau:
“5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;”
4. Tổng đài tư vấn pháp lý
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!