BỊ “GIẬT HỤI” THÌ PHẢI XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

BỊ "GIẬT HỤI" THÌ PHẢI XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Chị Ánh ở Bình Dương có câu hỏi gửi về cho chương trình và Luật sư, mong chương trình và Luật sư giải đáp giúp.

Câu hỏi: Cách đây khoảng 1 năm, tôi có tham gia dây hụi của bà T.N bà đóng đến nay với số tiền hơn 100 triệu đồng. Vừa qua, tôi được tin chủ hụi vỡ nợ và đã ôm tiền bỏ trốn, không liên lạc được.

Câu hỏi 1: Tôi muốn hỏi, khi bị giật hụi thì tôi có quyền khởi kiện ra Tòa án để đòi tiền không?

Câu hỏi 2: Khi khởi kiện ra Tòa thì tôi cần cung cấp những bằng chứng gì để chứng minh tôi bị giật hụi?

Câu hỏi 3: Việc giật hụi có bị xử lý trách nhiệm hình sự không?

Luật sư trả lời:

Trả lời câu hỏi 1:

            Đầu tiên, tôi thực sự cảm thông và chia sẽ với tình hình của chị. Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều trường hợp bị “giật” hụi như chị, khiến nhiều người hoang mang và lao đao vì không biết phải xử lý như thế nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Do đó, nhân câu hỏi của chị gửi đến chương trình thì tôi cũng giải đáp thắc mắc cho những ai đang trong trường hợp của chị được biết và tìm ra cách xử lý phù hợp.

            Theo quy định của pháp luật thì khi bị “giật hụi” chúng ta hoàn toàn có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. Căn cứ vào Điều 25 Nghị định 10/2019/NĐ-CP về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm khi bị giật hụi quy định “Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.”

            Trong trường hợp này, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi bị đơn (chủ hụi) cư trú, làm việc.

Trả lời câu hỏi 2:

            Căn cứ tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”

            Do đó, ngoài đơn khởi kiện trình bày những yêu cầu để Tòa án giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng thì chị Ánh phải cung cấp cho Tòa án các chứng cứ liên quan đến văn bản thỏa thuận về dây hụi theo quy định tại Điều 8, Nghị định 19/2019/NĐ-CP. Đó là nội dung thông tin về nhân thân của chủ hụi như họ tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày tháng năm sinh; địa điểm cư trú của chủ hụi. Danh sách các cá nhân tham gia vào dây hụi bao gồm số lượng thành viên, họ tên, nơi cư trú của từng thành viên. Và cung cấp đầy đủ, rõ ràng về phần hụi, thời gian mở hụi, dây hụi, thỏa thuận về thể thức góp hụi, lĩnh hụi,…..

Trả lời câu hỏi 3:

                Tại Điểm a Khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

“Người nào có hành vi nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 

Trong trường hợp tài sản mà chủ hụi nhận của người khác có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng sau đó dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó thì có thể bị phạt tù từ 02 đến 07 năm.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.”

Ngoài ra, Chủ hụi giật nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS hiện hành. Cụ thể là:

Chủ hụi bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp chủ hụi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

Trường hợp chủ hụi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng có thể bị phạt tù từ 07 đến 15 năm.

Trường hợp chủ hụi chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Như vậy, tùy vào số tiền mà chủ hụi giật và hành vi của chiếm đoạt tài sản mà thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết chủ hụi có thể sẽ chịu trách nhiệm hình sự tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, chị Ánh có thể trình báo với cơ quan công an nơi người chủ hụi cư trú cuối cùng để được xác minh, giải quyết theo thẩm quyền.

Liên hệ ngay:
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận