1. Cơ sở pháp lý liên quan
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đội ngũ y bác sĩ không chỉ được nhìn nhận là lực lượng chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà còn là chủ thể có trách nhiệm pháp lý và đạo đức đặc thù. Vậy những người làm về mảng y tế có những nghĩa vụ và quyền hạn gì trong quá trình khám bệnh cho bệnh nhân?
Theo khoản 5 Điều 45 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023, bác sĩ phải có nghĩa vụ giữ bí mật về tình trạng bệnh của người bệnh và những thông tin liên quan đến người bệnh.
“Giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp người bệnh đồng ý chia sẻ thông tin và trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 69 của Luật này.”
Theo Điều 5 Luật tố tụng hình sự 2015, những người hành nghề liên quan đến y khoa cũng phải có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác và báo tin về tội phạm cho các cơ quan có thẩm quyền.
“Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.”
Bên cạnh những quyền và nghĩa vụ cụ thể, bác sĩ còn phải có những quyền và nghĩa vụ riêng biệt trong các trường hợp đặc thù liên quan đến trẻ em, hành vi liên quan đến bạo lực gia đình,… Theo khoản 1 Điều 51 Luật Trẻ em 2016,
“Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền.”
Liên quan đến vấn đề có hành vi bạo lực gia đình thì đội ngũ y bác sĩ phải thực hiện theo Điều 29 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022
“Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm sau đây:
- a) Tiếp nhận, sàng lọc, phân loại, chăm sóc, điều trị người bệnh là người bị bạo lực gia đình;
- b) Cung cấp thông tin về tình trạng tổn hại sức khỏe của người bị bạo lực gia đình theo đề nghị của người đó hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
- Nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh, nếu phát hiện người bệnh có dấu hiệu bị bạo lực gia đình có trách nhiệm báo cáo ngay cho người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại các điểm a, c, đ và e khoản 2 Điều 35 của Luật này căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chăm sóc người bị bạo lực gia đình.
- Người đứng đầu cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình có trách nhiệm thông báo cho Công an xã nơi đặt cơ sở về trường hợp người được chăm sóc, điều trị có dấu hiệu bị bạo lực gia đình để bảo vệ, xử lý theo quy định của pháp luật.”
2. Các trường hợp bác sĩ có quyền và nghĩa vụ phải báo công an?
Trong thực tiễn hành nghề, có những tình huống mà bác sĩ không chỉ có quyền mà còn bắt buộc phải thông báo cho cơ quan công an khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Một trong những trường hợp điển hình là khi người bệnh là trẻ em, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người không có khả năng tự bảo vệ, đặc biệt khi họ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, bạo hành thể chất hoặc tinh thần. Theo Luật Trẻ em 2016 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, bác sĩ với vai trò là người đầu tiên tiếp xúc và phát hiện dấu hiệu bất thường phải có nghĩa vụ pháp lý thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng.
Ngoài ra, trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu là nạn nhân của tội phạm nghiêm trọng như: xâm hại tình dục, buôn bán người, hành hạ, bạo hành trong gia đình, hoặc thậm chí là nạn nhân của hành vi tra tấn hoặc giam giữ trái phép, thì bác sĩ cũng có thể sử dụng quyền tố giác tội phạm theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Trong các trường hợp này, việc thông báo không chỉ giúp ngăn chặn tội ác tiếp diễn mà còn bảo vệ chính người bệnh trước nguy cơ tổn thương tiếp theo.
Như vậy, tùy từng trường hợp cụ thể, nghĩa vụ tố giác của bác sĩ có thể xuất phát từ quy định pháp luật bắt buộc hoặc từ tinh thần trách nhiệm xã hội – nhưng dù dưới hình thức nào, đó cũng là hành vi góp phần bảo vệ quyền con người và giữ gìn trật tự pháp luật.
3. Ranh giới giữa đạo đức nghề nghiệp và pháp luật
Việc bác sĩ phát hiện và báo cáo dấu hiệu tội phạm tiềm ẩn luôn đặt họ vào tình huống phải cân bằng giữa nghĩa vụ pháp lý và đạo đức, trách nhiệm về quyền riêng tư của người bệnh. Theo quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, người hành nghề y có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe, bệnh tật, hồ sơ bệnh án của người bệnh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc được người bệnh đồng ý. Việc tiết lộ thông tin trái phép có thể dẫn đến xử lý kỷ luật, trách nhiệm dân sự hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 47 Luật Trẻ em năm 2016, mọi cá nhân, tổ chức khi phát hiện hoặc có thông tin dấu hiệu trẻ em bị xâm hại thì phải kịp thời thông báo hoặc tố giác đến cơ quan có thẩm quyền. Tương tự, tại Điều 29 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, người phát hiện hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm báo tin ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan có thẩm quyền. Việc không tố giác trong những trường hợp này có thể bị xem là vi phạm nghĩa vụ pháp lý và chịu trách nhiệm theo quy định.
Do đó, bác sĩ đứng trước ranh giới pháp lý mong manh giữa việc giữ bí mật nghề nghiệp và tố giác tội phạm. Nếu tiết lộ sai phạm không đúng quy định, bác sĩ có thể bị xử lý vì xâm phạm quyền riêng tư theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản liên quan. Ngược lại, không tố giác những hành vi nguy hiểm đã được pháp luật quy định rõ nghĩa vụ có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự hoặc hành chính. Vì vậy, Nhà nước cần có hướng dẫn rõ ràng để giúp bác sĩ thực hiện đúng pháp luật đồng thời đảm bảo trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp.
4. Tổng đài tư vấn pháp luật
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!