1. Khái quát chính sách giảm thuế GTGT
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại kỳ họp này, một trong những nội dung quan trọng được đề nghị bổ sung là việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng cho 06 tháng cuối năm 2025 và toàn bộ năm 2026.
Chính sách giảm thuế từ 10% xuống 8% từng được áp dụng trong giai đoạn 2022 – 2024. Và lần đầu tiên được áp dụng việc giảm thuế này là giai đoạn từ 01/02/2022 đến hết 31/12/2022. Hiện tại, đây là lần giảm thuế thứ 4, tuy nhiên, lần này lại được kéo dài từ giữa năm 2025 đến hết năm 2026, cho thấy xu hướng chuyển từ hỗ trợ ngắn hạn sang trung hạn của nhà nước, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô đang trong quá trình ổn định và lấy lại tăng trưởng.
2. Nội dung chính của Nghị quyết
Trước đó, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách giảm thuế GTGT. Nghị quyết có các nội dung đáng chú ý như sau:
- Thời gian áp dụng: từ 01/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
- Phạm vi áp dụng: Các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế GTGT 10%, trừ các ngành nghề sau: viễn thông; hoạt động tài chính; ngân hàng; chứng khoán; bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; sản phẩm kim loại; sản phẩm khai khoáng (trừ than); sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
- Mức thuế: Giảm 2% còn 8%, áp dụng trực tiếp trên hóa đơn GTGT.
Chính sách giảm thuế nêu trên được áp dụng từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
3. Tác động của Nghị quyết đến kinh tế – xã hội.
Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 tương đương khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng (trong đó: 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT tác động làm giảm thu NSNN nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tác động đến tăng trưởng kinh tế – xã hội:
- Tác động đến kinh tế: Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025.
- Tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp: Việc giảm 2% mức thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt là ngành tiêu dùng, thực phẩm, sản xuất hàng hóa thiết yếu.
- Giảm gánh nặng cho người dân: Giá hàng hóa giảm do thuế thấp hơn, khuyến khích tiêu dùng nội địa.
- Tác động đến thị trường: Nhiều doanh nghiệp có thể điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm để hưởng mức thuế thấp, từ đó dẫn đến thay đổi mô hình kinh doanh.
KẾT LUẬN:
Chính sách giảm thuế GTGT giai đoạn 2025–2026 là minh chứng cho sự linh hoạt của pháp luật tài chính – thuế, góp phần cân bằng mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế và duy trì ổn định ngân sách quốc gia.
4. Tổng đài tư vấn pháp luật
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!