1. Nghĩa vụ dân sự là gì?
Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).”
Như vậy, nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ mà theo đó một hoặc nhiều chủ thể (bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác. Hiểu đơn giản là những việc bắt buộc một hoặc nhiều chủ thể phải thực hiện và được bảo đảm bằng các biện pháp cưỡng chế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Khái niệm và bản chất pháp lý của nghĩa vụ liên đới
Về khái niệm, Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ liên đới như sau:
“Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.”.
Về bản chất pháp lý trong nghĩa vụ liên đới:
- Mỗi chủ thể đều chịu trách nhiệm với toàn bộ nghĩa vụ;
- Chủ thể thực hiện nghĩa vụ thay cho các bên khác có quyền yêu cầu hoàn trả phần nghĩa vụ tương ứng;
- Nghĩa vụ chỉ được coi là hoàn thành khi toàn bộ nghĩa vụ đã được thực hiện.
3. Khái niệm và bản chất pháp lý của nghĩa vụ riêng rẽ
Về khái niệm,
Điều 287 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ riêng rẽ như sau:
“Khi nhiều người cùng thực hiện một nghĩa vụ, nhưng mỗi người có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ thì mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình.”
Ví dụ: A, B và C cùng mua hàng của D, mỗi người có trách nhiệm thanh toán phần hàng mình mua. Trong trường hợp này, D không thể yêu cầu A thanh toán phần tiền của B hoặc C.
Về bản chất pháp lý, trong nghĩa vụ riêng rẽ:
- Nghĩa vụ của mỗi người là độc lập, không phụ thuộc vào nghĩa vụ của người khác;
- Việc thực hiện của một người không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của những người còn lại;
- Bên có quyền chỉ có thể yêu cầu từng người thực hiện đúng phần nghĩa vụ của mình.
4. So sánh nghĩa vụ liên đới và nghĩa vụ riêng rẽ
Tiêu chí |
Nghĩa vụ liên đới |
Nghĩa vụ riêng rẽ |
Căn cứ pháp lý |
Điều 288 Bộ luật Dân sự 2015 |
Điều 287 Bộ luật Dân sự 2015 |
Định nghĩa |
Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. |
Khi nhiều người cùng thực hiện một nghĩa vụ, nhưng mỗi người có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ thì mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình. |
Quyền yêu cầu thực hiện nghĩa |
Bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người mang nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của mình và những người khác. Khi một chủ thể đã thực hiện nghĩa vụ thay cho những người khác, họ có quyền yêu cầu những người này phải hoàn trả lại cho mình phần nghĩa vụ mà đáng ra họ phải thực hiện với bên có quyền. |
Bên có quyền chỉ có thể yêu cầu mỗi người thực hiện phần nghĩa vụ của mình. |
Miễn thực hiện nghĩa |
Chủ thể quyền chỉ định người thực hiện toàn bộ nghĩa vụ sau đó lại miễn cho người này thì những người có nghĩa vụ còn lại cũng được miễn việc thực hiện nghĩa vụ. |
Người có quyền miễn nghĩa vụ cho người nào thì người đó sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ. |
5. Tổng đài tư vấn pháp luật
Nếu quý khách hàng còn có thắc mắc hay câu hỏi nào cần được tư vấn từ luật sư. Quý khách vui lòng liên hệ vào số Hotline 0978 333 379 để được luật sư tư vấn. Trân trọng cảm ơn!