
1. Người sử dụng lao động được nợ tiền Bảo hiểm xã hội không?
“Nợ tiền Bảo hiểm xã hội” là thuật ngữ không còn quá xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp cũng như người lao động. Thuật ngữ này được hiểu như sau: Nợ bảo hiểm xã hội là tiền phải đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định của pháp luật nhưng đơn vị chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Tiền nợ bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định của pháp luật nhưng đơn vị chưa đóng.
Hiện nay, Doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức đóng bảo hiểm 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng. Tùy vào đặc điểm kinh doanh và khả năng tài chính để lựa chọn.
Căn cứ vào Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Khi đó, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội
3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.”
Theo đó, doanh nghiệp được phép nợ bảo hiểm xã hội đến dưới 30 ngày. Nếu chậm nộp bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên thì sẽ phải nộp đủ số tiền chưa đóng và nộp thêm số tiền lãi cho Quỹ bảo hiểm xã hội, đồng thời còn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật liên quan.
Ngoài ra, người lao động có thể dễ dàng theo dõi quá trình đóng bảo hiểm xã hội của mình qua ứng dụng VssID. Tại đây, có thể xem quá trình đóng, mức đóng và số tháng còn nợ bảo hiểm xã hội,….
2. Doanh nghiệp tuyên bố phá sản, người lao động có được thanh toán tiền Bảo hiểm xã hội?
Phá sản là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản (khoản 2 điều 4 Luật Phá sản năm 2014).
Khi doanh nghiệp phá sản thì các khoản: nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết sẽ được ưu tiên thanh toán ngay sau khi thanh toán xong chi phí phá sản (điểm b khoản 1 điều 54 Luật Phá sản năm 2014 và khoản 2 điều 48 Luật Lao động năm 2019).
Như vậy, một công ty thực hiện thủ tục phá sản sau khi đã thanh toán xong chi phí phá sản thì phải ưu tiên thanh toán các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động.
3. Quy định pháp luật về xử lý hành vi không nộp đủ tiền Bảo hiểm xã hội của Doanh nghiệp
3.1: Xử phạt vi phạm hành chính:
Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng (điểm a khoản 7 điều 39 nghị định 12/2022/NĐ-CP).
3.2: Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.
Nếu không thực hiện với thời gian từ 30 ngày trở lên theo yêu cầu của người có thẩm quyền thì ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
3.3: Truy cứu trách nhiệm hình sự tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động:
Người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Mức phạt tiền có thể lên đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm trong trường hợp: trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên hoặc không đóng số tiền bảo hiểm đã thu/đã khấu trừ của người lao động.
Pháp nhân thương mại phạm tội thì mức phạt tiền có thể lên đến 3.000.000.000 đồng (điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).
Như vậy, hành vi nợ tiền bảo hiểm của nhân viên rồi bỏ trốn, tùy theo mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.