Hiện nay, Việt Nam được xếp thứ 5 thế giới về nức độ quan tâm đến tài sản số, có hơn 17 triệu người Việt Nam sỡ hữu tài sản số và tổng giá trị thị trường vượt 100 tỷ USD. Tuy nhiên, khung pháp lý của Việt Nam lại chưa có những quy định chính thức để điều chỉnh lĩnh vực này. Mới đây nhất, theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước được giao đề xuất, trình Chính Phủ ngay trong tháng 3/2025 về khung pháp lý quản lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả.
1. Khái niệm và đặc điểm của tiền kỹ thuật số:
Khái niệm:
- “Tiền kỹ thuật số” hay tiền điện tử (digital currency hay crypto currency) được các tổ chức định nghĩa theo nghĩa rộng, bao gồm là coin, tiền thuật toán, tiền điện tử, tiền mã hóa (digital money, electronic money, electronic currency, cyber cash). Tiền kỹ thuật số thường có 02 nguồn phát hành: từ ngân hàng trung ương và/hoặc khối tư nhân gồm doanh nghiệp và cá nhân. Đối với tiền kỹ thuật số do khối tư nhân phát hành như BTC, ETH, GDB, việc thanh toán hoặc chuyển tiền kỹ thuật số được xác minh bởi các bên thứ ba độc lập, không xác định, mà không cần phụ thuộc vào người quản lý trung tâm hoặc đăng ký
- Tiền điện tử (electric money hay e-money) là khái niệm được định nghĩa chính thức tại nhiều văn bản luật của một số quốc gia và các tổ chức tài chính – tiền tệ quốc tế. Theo trang thông tin chính thức của Ủy ban châu Âu (European Commission – EC), tiền điện tử là “một giải pháp thay thế kỹ thuật số cho tiền mặt. Tiền điện tử cho phép người dùng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt bằng tiền được lưu trữ trên thẻ, điện thoại hoặc qua internet”
- Tại Việt Nam, khái niệm về “tiền điện tử” lần đầu tiên được đề cập tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt (“Nghị định 52”) như sau: “Tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử”.
Bản chất:
- Tiền kỹ thuật số là tài sản phi tập trung, không phụ thuộc vào bất kỳ chính phủ của một quốc gia nào cũng như không phụ thuộc vào một công ty nào. Mô hình này hoàn toàn trái ngược với loại hình tài sản tập trung và sẽ không bị rủi ro đổ vỡ và mất giá trị như loại hình tài sản truyền thống (chính phủ vỡ nợ, công ty giải thể…). Mô hình tài sản phi tập trungsử dụng mạng ngang hàng (P2P), những người tham gia trong hệ thống có quyền lực như nhau, được chia sẻ phần thưởng theo lý thuyết trò chơi, hành xử theo một tập luật được quy định sẵn và buộc phải đồng thuận khi tham gia hệ thống.
- Tiềnkỹ thuật số là tài sản phi trung gian. Loại hình này sử dụng mạng ngang hàng (P2P), nên khi muốn chuyển tiền cho người khác thì chỉ việc vào ví cá nhân, nhập địa chỉ ví của người nhận và gửi đi. Người chuyển và người nhận có thể dễ dàng nhìn vào mã giao dịch để kiểm tra số tiền được chuyển và xác nhận giao dịch.
- Tiền kỹ thuật số là vô hình và chỉ có thể được sở hữu và giao dịch bằng cách sử dụng máy tính hoặc ví điện tử được kết nối với Internet hoặc các mạng được chỉ định.
- Tiền kỹ thuật số có thể được chia làm 2 loại:
+ Tiền kỹ thuật số tập trung: Các hệ thống như Paypal, Webmoney, Payoneer là các đơn vị quản lý tiền kỹ thuật số tập trung. Các tài khoản Apple Pay, Google Wallet cũng là tiền kỹ thuật số tập trung.
+ Tiền kỹ thuật số phi tập trung: Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash, Ripple và những loại tiền ảo khác cũng là tiền kỹ thuật số.
2. Quy định về quản lý tiền điện tử của Việt Nam:
Tại Việt Nam, Nghị định 52 là văn bản pháp lý đầu tư ghi nhận tính pháp lý của tiền điện tử. Cụ thể, Nghị định này đã đặt ra một số quy định liên quan đến tiền điện tử như định nghĩa về tiền điện tử (Khoản 12 Điều 3), quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước (Điều 6); đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng).
Quan trọng nhất, Nghị định 52 bước đầu đặt nền móng cho việc tạo ra một nền tảng pháp lý vững chắc để khuyến khích các sáng kiến và công nghệ mới trong lĩnh vực tiền điện tử và blockchain, giúp Việt Nam không tụt lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghệ số.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Nghị định 52 cho thấy các nhà lập pháp Việt Nam hiện chỉ mới công nhận tiền điện tử như một hình thức lưu trữ tiền mặt phi vật lý, đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ. Như vậy, theo quy định này, các loại tiền kỹ thuật số phổ biến trên thế giới hiện nay như Bitcoin, Ethereum, v.v không phải tiền điện tử và vẫn tiếp tục không được sử dụng để thanh toán tại Việt Nam.
Có thể thấy, mặc dù việc ra đời của Nghị định 52 cùng với những khái niệm về tiền điện tử phần nào đặt nền móng cho việc công nhận các sản phẩm số, công nghệ về tài chính tại Việt Nam, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý chính thức và toàn diện về tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Việc thiếu các quy định xác định bản chất pháp lý của tiền điện tử và các quy định điều chỉnh chi tiết về việc tạo lập, giao dịch, giám sát, xử lý các giao dịch liên quan đến tiền điện tử, tài sản số khiến cho Việt Nam bị tụt hậu so với xu thế chung của thế giới, đồng thời gặp khó khăn hơn trong việc quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn của thị trường tài chính, ngân hàng, thuế, phòng chống rửa tiền,… do không thể kịp thời quản lý, kiểm soát, phát hiện và xử lý hoạt động liên quan đến tiền ảo, bỏ lọt các hành vi trái pháp luật trong sử dụng tiền ảo.
3. Cần quy định tiền kỹ thuật số là một loại tài sản
Tiền kỹ thuật số là đối tượng của các hành vi chiếm đoạt với các hình thức chiếm đoạt như cướp hoặc lừa đảo.
Trong trường hợp này không thể xử lý về các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt vì tiền kỹ thuật số không thỏa mãn các đặc điểm của các loại tài sản theo quy định của BLDS ở dạng vật, tiền, giấy tờ có giá. Vật được hiểu là một bộ phận của thế giới vật chất tồn tại với hình dáng, kích thước, tính năng, đặc điểm riêng biệt.
Điều 115 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.
Như vậy, không đủ cơ sở pháp lý để xác định tiền kỹ thuật số là một loại tài sản. Trường hợp này không thể quy định cụ thể tiền kỹ thuật số là đối tượng tác động vào dấu hiệu định tội của các tội xâm phạm sở hữu mà cần dẫn chiếu đến khung pháp lý cho đối tượng này.
Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý cho tiền kỹ thuật số vì còn liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp lý khác và từ đó có thể áp dụng quy định của BLHS.
Hiện nay, khoản 1 Điều 53 Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số (dự thảo 5.8, ngày 2-3-2025) quy định: “Tài sản số là tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử. Tài sản số bao gồm tài sản ảo trên môi trường điện tử, tài sản mã hóa và các loại tài sản số khác”.
Nếu Luật Công nghiệp công nghệ số được thông qua và có hiệu lực pháp luật thì tiền kỹ thuật số sẽ được xem là 1 loại tài sản, từ đó việc áp dụng quy định của BLHS về các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt sẽ đảm bảo về lý luận và pháp lý. Trên thực tế, tiền kỹ thuật số còn có thể là đối tượng tác động của các hành vi tổ chức các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số bất hợp pháp và BLHS năm 2015 chưa có quy định các tội phạm cụ thể liên quan đến dạng hành vi này.