Thực tiễn cho thấy trong quá trình kinh doanh luôn phát sinh những vấn đề đòi hỏi các chủ thể kinh doanh phải nắm rõ quy định pháp luật để tránh các rủi ro bị phạt hành chính nếu thực hiện không đúng. Một trong các vấn đề mà doanh nghiệp hay gặp phải đó là các thủ tục liên quan đến việc thay đổi đăng ký kinh doanh. Bài viết này sẽ giải quyết một số các thắc mắc phổ biến liên quan đến thay đổi đăng ký kinh doanh với mong muốn cung cấp thêm các thông tin hữu ích cho quý doanh nghiệp.
1. Các trường hợp phải thay đổi đăng ký kinh doanh
Căn cứ Theo Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2020, từ Điều 47 đến Điều 55 và Điều 61 đến Điều 64 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp, các trường hợp cần phải thay đổi đăng ký kinh doanh đó là:
+ Thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp
+ Thay đổi tên doanh nghiệp
+ Thay đổi thành viên hợp danh
+ Thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần
+ Thay đổi vốn điều lệ, phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp
+ Thay đổi thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
+ Thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
+ Thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp bán, tặng cho doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp chết
+ Thay đổi vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân
+ Thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đối với công ty bị tách, công ty nhận sáp nhập
+ Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
Ngoài ra, trong một số trường hợp không thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng vẫn cần làm thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đó là:
- Thay đổi ngành, nghề kinh doanh
- Thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần chưa niêm yết
- Thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong công ty cổ phần chưa niêm yết
- Thay đổi nội dung đăng ký thuế
- Thay đổi thông tin cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, thông báo thay đổi thông tin người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức nước ngoài, thông báo cho thuê doanh nghiệp tư nhân, thông báo thay đổi thông tin người đại diện theo ủy quyền
2. Nội dung thay đổi không phải thay đổi đăng ký kinh doanh
Theo Điều 31 Luật doanh nghiệp 2020, khi thay đổi thông tin cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư trong nước đối với công ty cổ phần, doanh nghiệp sẽ không cần phải thay đổi đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, từ 04/01/2021, khi Nghị định 01/2021/ND-CP đã bãi bỏ quy định yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh khi có thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp.
3. Thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh gồm những gì?
Trình tự thủ tục thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh sẽ bao gồm các bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh đầy đủ theo quy định của pháp luật
Doanh nghiệp sẽ soạn thảo hồ sơ dựa theo nội dung thay đổi đăng ký kinh doanh, cụ thể hồ sơ bao gồm các giấy tờ gì sẽ được trình bày phía dưới.
- Bước 2: Nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh tới Cơ quan đăng ký kinh doanh
Sau khi hoàn thành công đoạn chuẩn bị hồ sơ, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ và đóng lệ phí thay đổi đăng ký kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Bước 3: Nhận kết quả và công bố thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh đổi trên Cổng thông tin quốc gia
Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, nếu hồ sơ được chấp nhận, phòng đăng ký kinh doanh sẽ ghi nhận nội dung thay đổi yêu cầu của doanh nghiệp trên giấy phép kinh doanh mới. Nếu hồ sơ không hợp lệ, cơ quan đăng ký sẽ thông báo bằng văn bản lý do từ chối để doanh nghiệp bổ sung, sửa đổi. Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ hoặc đăng ký nhận kết quả tại địa chỉ thông qua doanh nghiệp trả kết quả qua đường Bưu điện.
Sau khi hoàn thiện việc thay đổi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp sẽ công bố nội dung thay đổi trên cổng thông tin quốc gia theo quy định của Luật Doanh Nghiệp.
- Bước 4: Thực hiện các thủ tục khác sau khi thay đổi đăng ký kinh doanh
Tùy thuộc vào từng nội dung thay đổi mà doanh nghiệp sẽ thực hiện các công việc sau khi thay đổi, cụ thể sẽ được trình bày phía dưới.
4. Mức phạt chậm thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh tới cơ quan đăng ký
Khi có thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần lưu ý thông báo thay đổi đăng ký kinh doanh tới cơ quan đăng ký đúng thời hạn luật định là 10 ngày theo khoản 2 Điều 30 Luật doanh nghiệp 2020, tránh trường hợp để quá thời hạn quy định trên, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Mức xử phạt hành chính khi chậm thực hiện thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh được quy định cụ thể tại Điều 44 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:
1. Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 11 ngày đến 30 ngày.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 90 ngày.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này trong trường hợp chưa đăng ký thay đổi theo quy định;
b) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.
5. Hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh
Hồ sơ thay đổi giấy phép kinh doanh sẽ bao gồm những giấy tờ gì phụ thuộc vào việc thay đổi cụ thể trong từng trường hợp. Nếu doanh nghiệp phát sinh thay đổi liên quan đến nội dung gì thì chỉ cần cung cấp thông tin, hồ sơ giấy tờ liên quan đến nội dung cần thay đổi đó. Dưới đây là hướng dẫn hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh trong một số trường hợp cụ thể.
5.1. Hồ sơ thay đổi địa trụ sở chính công ty
Theo Điều 47 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các giấy tờ cần nộp bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
5.2. Hồ sơ thay đổi tên công ty
Theo Điều 48 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các giấy tờ cần nộp bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc đổi tên doanh nghiệp.
5.3. Hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần
Theo Điều 50 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các giấy tờ cần nộp bao gồm:
- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật mới;
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật; nghị quyết và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật làm thay đổi nội dung Điều lệ công ty; nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật không làm thay đổi nội dung của Điều lệ công ty ngoài nội dung họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp.
5.4. Hồ sơ thay đổi vốn điều lệ công ty (tăng/giảm vốn điều lệ)
Theo Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các giấy tờ cần nộp bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi vốn điều lệ;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
5.5. Hồ sơ thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Theo Điều 53 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các giấy tờ cần nộp sẽ tùy vào từng trường hợp sau:
– Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ cho một cá nhân hoặc một tổ chức thì người nhận chuyển nhượng phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Thông báo thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu cũ và chủ sở hữu mới hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu mới ký;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp người nhận chuyển nhượng là cá nhân hoặc bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người được ủy quyền và bản sao văn bản cử người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp người nhận chuyển nhượng là tổ chức. Đối với chủ sở hữu là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Bản sao Điều lệ sửa đổi, bổ sung của công ty;
- Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng phần vốn góp;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
– Trường hợp thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, hồ sơ đăng ký thay đổi thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó, hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ hoàn tất việc chuyển nhượng được thay bằng quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi chủ sở hữu công ty.
– Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thay đổi chủ sở hữu do thừa kế thì người thừa kế nộp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Thông báo thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chủ sở hữu mới hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu mới ký;
- Bản sao Điều lệ sửa đổi, bổ sung của công ty;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp người thừa kế là cá nhân hoặc bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người được ủy quyền và bản sao văn bản cử người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp người thừa kế là tổ chức. Đối với chủ sở hữu là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế.
– Trường hợp thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tặng cho toàn bộ phần vốn góp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng được thay bằng hợp đồng tặng cho phần vốn góp.
– Trường hợp thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo quyết định chia, tách, sáp nhập, hợp nhất công ty, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó, hợp đồng chuyển nhượng vốn góp hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng vốn góp được thay bằng nghị quyết, quyết định chia công ty, nghị quyết, quyết định tách công ty, các giấy tờ quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 25 Nghị định này, các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 61 Nghị định này. Nghị quyết, quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập công ty phải thể hiện nội dung chuyển giao toàn bộ phần vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty mới.
5.6. Hồ sơ thay đổi thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Theo Điều 52 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các giấy tờ cần nộp sẽ tùy vào từng trường hợp sau:
– Trường hợp tiếp nhận thành viên mới dẫn đến tăng vốn điều lệ công ty, công ty nộp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Danh sách thành viên phải bao gồm chữ ký của thành viên mới và thành viên có phần vốn góp thay đổi, không bắt buộc phải có chữ ký của thành viên có phần vốn góp không thay đổi;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên về việc tiếp nhận thành viên mới;
- Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên mới của công ty;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp thành viên mới là cá nhân hoặc bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và bản sao văn bản cử người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp thành viên mới là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
– Trường hợp thay đổi thành viên do chuyển nhượng phần vốn góp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Danh sách thành viên phải bao gồm chữ ký của thành viên mới và thành viên có phần vốn góp thay đổi, không bắt buộc phải có chữ ký của thành viên có phần vốn góp không thay đổi;
- Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp thành viên mới là cá nhân hoặc bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và bản sao văn bản cử người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp thành viên mới là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
5.7. Hồ sơ thay đổi ngành, nghề kinh doanh của công ty
Theo Điều 56 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các giấy tờ cần nộp sẽ bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh.
6. Thay đổi đăng ký kinh doanh ở đâu?
- Trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở chính thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp sẽ là Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới theo khoản 2 Điều 47 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp.
- Trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi nội dung khác thì nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ là Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính.
7. Chi phí thay đổi đăng ký kinh doanh gồm những chi phí gì
Theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, khi thay đổi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần trả lệ phí thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp là 50.0000 đồng/ hồ sơ.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 5 Thông tư 47/2019/TT-BTC, nếu doanh nghiệp thuộc các trường hợp sau sẽ được miễn lệ phí khi thay đổi đăng ký doanh nghiệp đó là:
– Doanh nghiệp bổ sung, thay đổi thông tin do thay đổi địa giới hành chính được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu.
8. Lưu ý sau khi tiến hành thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh
Sau khi thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đối với trường hợp thay đổi tên doanh nghiệp hoặc trụ sở chính của doanh nghiệp
Trường hợp thay đổi tên doanh nghiệp hoặc thay đổi trụ sở chính của doanh nghiệp sẽ dẫn đến thay đổi các thông tin trên con dấu doanh nghiệp, hóa đơn, chứng từ doanh nghiệp,… Chính vì vậy mà sau khi thay đổi tên hoặc trụ sở doanh nghiệp cần phải lưu ý các vấn đề sau:
- Đối với con dấu công ty: Khi thay đổi tên doanh nghiệp hoặc trụ sở sẽ dẫn đến thay đổi con dấu, căn cứ theo khoản 9 Điều 24 Nghị định 99/2016/NĐ-CP doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục khắc lại con dấu của doanh nghiệp để tiếp tục sử dụng thay cho con dấu cũ.
- Đối với hóa đơn doanh nghiệp: Trên hóa đơn của doanh nghiệp sẽ có thông tin về tên và trụ sở của doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi thay đổi thông tin về tên hoặc trụ sở thì sẽ dẫn đến việc thay đổi mẫu hóa đơn. Đối với những hóa đơn cũ, nếu công ty có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì công ty đóng dấu mới vào bên cạnh tiêu thức tên đã in sẵn đồng thời doanh nghiệp cần gửi thông báo điều chỉnh thông tin hóa đơn lên cơ quan thuế (theo khoản 1 mục IV Công văn số 2010/TCT-TVQT hướng dẫn thực hiện một số nội dung Thông tư số 39/2014/TT-BTC); Trường hợp doanh nghiệp không muốn tiếp tục dùng số hóa đơn đã phát hành nhưng chưa sử dụng thì thực hiện hủy các số hóa đơn chưa sử dụng và thực hiện thông báo phát hành hóa đơn mới theo quy định.
- Bên cạnh đó, việc thay đổi tên hoặc trụ sở công ty sẽ dẫn đến việc thay đổi thông tin trên các tài liệu, chứng từ, biển hiệu công ty. Vì vậy doanh nghiệp cũng cần cập nhật lại nhưng thông tin thay đổi trên biển hiệu công ty, website công ty, trên các giấy phép con của doanh nghiệp nếu có đồng thời cập nhật thông tin thay đổi với các cơ quan: thuế, bảo hiểm, ngân hàng, chữ ký số, đối tác,….
Đối với trường hợp thay đổi vốn điều lệ
Việc thay đổi vốn điều lệ có thể dẫn đến việc thay đổi mức thuế môn bài phải nộp của doanh nghiệp. Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP thì đối với những doanh nghiệp đăng ký mức vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng sẽ phải đóng thuế môn bài 3.000.000 đồng/năm, những doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống sẽ phải đóng thuế môn bài là 2.000.000 đồng/năm. Khi thay đổi mức vốn điều lệ, doanh nghiệp cần lưu ý đến mức vốn điều lệ doanh nghiệp phải đóng theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp thay đổi ngành nghề kinh doanh
Với những ngành nghề kinh doanh không có điều kiện thì doanh nghiệp tiến hành kinh doanh ngành nghề mới và chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Riêng đối với ngành nghề có điều kiện thì sau khi thay đổi ngành nghề, doanh nghiệp cần lưu ý:
- Đối với các ngành nghề yêu cầu chứng chỉ hành nghề, trong quá trình hoạt động doanh nghiệp luôn phải đảm bảo số lượng chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật;
- Các ngành nghề đăng ký kinh doanh mới có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được hoạt động khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Ví dụ như: Xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, kinh doanh lữ hành, kinh doanh sàn giao dịch bất động sản….
Đối với trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật
Khi thay đổi người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp cần phải thông báo về việc thay đổi với các đối tác, bạn hàng hoặc cơ quan nhà nước. Đối với tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp thì cần phải tiến hành các thủ tục đăng ký thông tin chủ tài khoản tại ngân hàng. Một số trường hợp doanh nghiệp phải đổi các giấy phép con có thông tin của người đại diện như: Giấy phép phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, Giấy phép kinh doanh lữ hành,…..
Đối với trường hợp thay đổi thành viên /cổ đông công ty
Doanh nghiệp cần lưu ý đến các thủ tục kê khai thuế thu nhập cá nhân phát sinh theo hợp đồng chuyển nhượng, kể cả trong các trường hợp chuyển nhượng không phát sinh thu nhập chịu thuế (chuyển nhượng ngang giá hoặc chuyển nhượng lỗ) (theo Thông tư 156/2013/TT-BTC). Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần phải thực hiện việc bổ sung, cập nhật thông tin của các thành viên/cổ đông mới trong Danh sách thành viên/ Danh sách cổ đông công ty.