Hình phạt tù là loại hình phạt có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do của con người. Khi một người bị kết án hình phạt tù thì họ sẽ bị quản lý và giám sát chặt chẽ trong trại giam. Đây có thể là một trong những lý do ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng trong hôn nhân. Vậy trong thời gian chấp hành hình phạt tù, người còn lại trong mối quan hệ hôn nhân có thể yêu cầu ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù hay không? Thủ tục giải quyết yêu cầu ly hôn như thế nào?
1. Khái niệm người đang chấp hành hình phạt tù
Đối với lĩnh vực hình sự, đối tượng điều chỉnh là mối quan hệ giữa nhà nước với người phạm tội, phương pháp điều chỉnh là mệnh lệnh, tùy nghi. Chính vì vậy, khi Tòa án tuyên thì người bị kết án phải có nghĩa vụ chấp hành hình phạt mà họ đã được Tòa án tuyên dựa trên bản án, hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có khái niệm cụ thể về người chấp hành hình phạt tù. Tuy nhiên, có thể dựa vào quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để giải thích như thế nào là người đang chấp hành hình phạt tù.
Khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự 2019:
“Người chấp hành án là người bị kết án, phải chịu hình phạt theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành”.[1]
Do đó, người đang chấp hành hình phạt tù có thể hiểu là người bị áp dụng hình phạt tù và chấp hành hình phạt trong các trại giam theo bản án, hoặc quyết định mà Tòa án đã tuyên.
2. Tòa án có giải quyết yêu cầu ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù
Khoản 4 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014:
“Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.[2]
Vậy vợ hoặc chồng có thể yêu cầu ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù có được chấp nhận không?
Theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, ly hôn bao gồm: Thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên. Điều kiện để được ly hôn giữa thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn là khác nhau, vì vậy cần phải xác định rõ ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù thuộc trường hợp thuận tình ly hôn hay ly hôn theo yêu cầu của một bên.
Căn cứ Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thuận tình ly hôn là việc mà vợ và chồng đều đồng ý ly hôn, giữa vợ và chồng đã thỏa thuận về nghĩa vụ nuôi con, tài sản chung của vợ chồng, Nếu cả hai không thỏa thuận được các vấn đề này thì Tòa án sẽ tiến hành giải quyết việc ly hôn.
Điều 55. Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình: Ly hôn theo yêu cầu của một bên (hay đơn phương ly hôn) là việc ly hôn xuất phát từ mong muốn của một bên:
Bên cạnh đó, Điều 56 Luật Hôn nhân gia đình 2014 cũng quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Do đó, cần xác định rằng yêu cầu ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù thuộc trường hợp đơn phương ly hôn.
Pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc ai có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
“Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
Từ quy định trên có thể thấy rằng, vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Do đó, pháp luật không cấm bên còn lại muốn ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù, trong trường hợp người vợ hoặc chồng của người đang chấp hành hình phạt tù không thuộc trường hợp bị hạn chế ly hôn.
3. Thủ tục ly hôn như thế nào?
Thủ tục ly hôn đối với người đang chấp hành án phạt tù cũng giống với thủ tục yêu cầu ly hôn của một bên. Tuy nhiên, người đang chấp hành hình phạt tù bị hạn chế một số quyền nên quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, họ sẽ không trực tiếp tham dự phiên tòa cũng như phiên hòa giải.[3]
Khi người chấp hành hình phạt tù không tham dự được phiên hòa giải, đồng nghĩa với việc hòa giải không thành theo quy định khoản 1, khoản 2 Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:
“1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.”
Khi hòa giải không thành đương sự có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
Trình tự, thủ tục ly hôn đối với người đang chấp hành hình phạt tù như sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ ly hôn
Hồ sơ ly hôn bao gồm đơn và toàn bộ các tài liệu, chứng cứ của đương sự.
Hồ sơ ly hôn cần chuẩn bị:
+ Bản sao CMND/CCCD của vợ và chồng;
+ Bản sao hộ khẩu;
+ Bản chính giấy đăng ký kết hôn;
+ Nếu có con chung thì cần chuẩn bị bản sao giấy khai sinh của con;
+ Các giấy tờ chứng minh về tài sản ( nếu có tranh chấp về tài sản);
+ Bản án, quyết định thi hành án phạt tù của vợ/chồng.
Bước 2. Nộp hồ sơ ly hôn
Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự:
“Tòa án nơi bị đơn cư trú , làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.
Vì vậy, đương sự cần nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ/chồng cư trú, làm việc trước khi chấp hành hình phạt tù.
Bước 3. Thụ lý hồ sơ vụ án
Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện, nếu vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì đương sự sẽ nhận được thông báo nộp án phí.
Khi đương sự đã thực hiện nghĩa vụ về án phí, Thẩm phán thông báo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án.[4]Tòa án sẽ tiến hành xử lý hôn vắng mặt người đang chấp hành án tù, thực hiện ủy thác tư pháp (yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam) cho Tòa địa phương nơi có trại giam mà người vợ/chồng đang chấp hành án phạt tù để lấy lời khai, ý kiến,… của họ.
Ly hôn với người đang chấp hành hình phạt tù là điều hoàn toàn có thể. Người có yêu cầu cần thực hiện đúng thủ tục để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc cho mình.
[1] Khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự 2019.
[2] Khoản 4 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[3] “Người đang chấp hành án phạt tù có ly hôn được không?”, Tạp chí Luật sư Việt Nam, <https://lsvn.vn/nguoi-dang-chap-hanh-an-phat-tu-co-ly-hon-duoc-khong1618326699.html>, truy cập ngày 23/3/2023.
[4] Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.