Hỏi – Đáp

Hãy để lại thắc mắc của bạn, Hãng Luật Bigboss Law hỗ trợ tư vấn ngay cho bạn.



    Câu hỏi

    Bạn H, Công ty A, ở TP. Hồ Chí Minh
    Bạn H, Công ty A, ở TP. Hồ Chí Minh (0862 264 xxx)

    Câu hỏi: Công ty chúng tôi có thuê ông B làm tài xế với mức lương 10 triệu đồng/tháng. Hai bên thỏa thuận miệng hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm. Khi bắt đầu làm việc, do sơ suất nên công ty chưa kịp ký hợp đồng lao động bằng văn bản với ông B. Tuy nhiên, chúng tôi có đóng bảo hiểm và trả lương đầy đủ hàng tháng cho ông B. Sau đó 1 năm, do công ty không còn nhu cầu công việc vị trí tài xế nói trên nên công ty thông báo cho ông B sẽ không tiếp tục gia hạn, ký hợp đồng lao động mới với ông B. Nhận được thông báo trên, ông B cũng đồng ý và không có ý kiến gì. Tuy nhiên, gần đây chúng tôi bất ngờ nhận được thông báo thụ lý từ Tòa án với nội dung ông B đòi chúng tôi phải bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn trái luật và yêu cầu chúng tôi phải trả lương đến khi xét xử xong vụ án. Chúng tôi vô cùng hoang mang, xin luật sư tư vấn cho chúng tôi biết chúng tôi cần phải làm gì trong trường hợp này?

    Avata Faq
    Luật sư Mai Tiến Luật

    Trả lời: Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng việc công ty không ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động là sai quy định theo Điều 14 Bộ luật Lao động 2019: “Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản” Công ty có thể bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc không ký hợp đồng lao động nêu trên của công ty chỉ bị xử phạt hành chính, không đồng nghĩa với việc công ty phải trả bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn trái luật và trả lương cho ông B đến khi xét xử xong vụ án. Việc của công ty là cần chứng minh cho Tòa án rằng giữa công ty và ông B chỉ tồn tại thỏa thuận về thời hạn hợp đồng có xác định thời hạn 1 năm, thay vì là hợp đồng lao động không xác định thời hạn như ông B trình bày tại yêu cầu khởi kiện. Điều 20 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

    “1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây: a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng; b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.”

    Do hai bên không có hợp đồng lao động bằng văn bản nên để bảo vệ quyền lợi của mình, công ty cần những chứng cứ gián tiếp khác để chứng minh cho thỏa thuận ban đầu về thời hạn 1 năm nêu trên. Công ty có thể thu thập những chứng cứ như: Tin nhắn trao đổi giữa hai bên về thời hạn hợp đồng; Nội quy, quy chế tuyển dụng của công ty nếu có đề cập về thời hạn hợp đồng lần đầu cho người lao động nói chung; Những hợp đồng lao động ký với những người lao động khác tại công ty để làm đối chứng tham khảo… Ngoài ra, công ty cần xem xét lại quy trình tuyển dụng của mình để đảm bảo không còn xảy ra tình trạng “quên” ký hợp đồng lao động đối với những trường hợp khác tương tự như trên tại công ty.

    Xem video luật sư trả lời tại đây:

    Anh David Nguyễn, TP.HCM
    Anh David Nguyễn, TP.HCM (0554 548 xxx)

    Câu hỏi: Tôi hiện đang làm việc tại công ty A với vị trí chuyên gia, có giấy phép lao động và ký hợp đồng lao động thời hạn 2 năm. Gần đây, tôi có làm thêm tại với công ty B với công việc tương tự theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Vậy theo quy định, tôi có được quyền làm thêm việc tại công ty B không? Tôi có cần phải xin thêm giấy phép lao động cho vị công việc mới nêu trên?

    Avata Faq
    Hãng Luật Bigboss Law

    Luật sư trả lời:

    Đối với việc làm thêm tại công ty B của bạn, hiện nay pháp luật không cấm và bạn có quyền giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều công ty nếu bạn đảm bảo đều hoàn thành tốt các công việc này theo quy định tại Điều 19 Bộ luật lao động 2019:

    “Điều 19. Giao kết nhiều hợp đồng lao động

    1. Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.” ​

    Ngoài ra, Khoản 1 Điều 151 theo Bộ luật lao động 2019 quy định: “Điều 151. Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

    1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây: ….

    d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp” Như vậy theo quy định trên, bạn làm 02 công ty là 02 pháp nhân có tư cách độc lập, do đó công ty B cần phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lao động mới trước khi chính thức tuyển dụng bạn.

    Tuy nhiên, việc công ty B và bạn ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn là sai quy định theo Khoản 2 Điều 151 theo Bộ luật lao động 2019: “Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.”

    Theo quy định, thời hạn của Giấy phép lao động tối đa không được vượt 2 năm nên tương ứng với đó, thời hạn của hợp đồng lao động giữa bạn và công ty B cũng không được vượt quá 2 năm theo quy định nêu trên của pháp luật.

    Xem video luật sư trả lời tại đây: https://youtu.be/RGMrGRhR9uc?si=JLLAnvyqb8n3urK1