Để các nhà đầu tư nước ngoài du nhập, phát triển lâu dài cần những giấy tờ gì để bước đầu có thể kinh doanh ở Việt Nam và các trường hợp đã hết thời hạn thực hiện dự án nhưng nhà đầu tư vẫn có nhu cầu thực hiện dự án thì cần các thủ tục gì để gia hạn tiếp tục kinh doanh. Sau đây là bài viết phân tích về thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đầu tư khi có một doanh nghiệp nước ngoài với mong muốn đầu tư và phát triển lâu dài tại thị trường Việt Nam.
1) Giấy chứng nhận đầu tư là gì?
Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm của “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” được giải thích như sau:
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của các chủ thể kinh doanh là cá nhân, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài khi đã đáp ứng đầy đủ điều kiện để tham gia hoạt động, đầu tư hợp pháp tại Việt Nam.
Căn cứ pháp lý theo Khoản 11 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định như sau:
“Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư”.
Căn cứ pháp lý được quy định tại Khoản 1 Điều 37 Luật Đầu tư 2020 quy định cụ thể các trường hợp thực hiện thủ tục cấp xin cấp phép đầu tư:
- Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài
- Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư 2020.
Theo khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư 2020 quy định như sau:
“Điều 23. Thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
…..”
2) Thời hạn của giấy chứng nhận đầu tư
Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp theo thời hạn thực hiện dự án
Không quá 50 năm đối với dự án đầu tư ngoài khu kinh tế
Không quá 70 năm đối với dự án trong khu kinh tế.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và khoản 1, khoản 2 Điều 44 Luật Đầu tư 2020 về thời hạn của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định như sau:
“Điều 27. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
1. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 44 Luật Đầu tư được tính từ ngày nhà đầu tư được cấp Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu. Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì thời hạn hoạt động của dự án được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp nhà đầu tư đã có quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm được bàn giao đất thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được tính từ ngày bàn giao đất trên thực địa.”
“Điều 44. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
1. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.
2. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.”
Lưu ý:
Với trường hợp nhà đầu tư dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm bàn giao thì thời hạn hoạt động được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất không tính vào thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án.
3) Khi nào cần gia hạn Giấy chứng nhận đầu tư
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, mỗi dự án đầu tư có một thời hạn hoạt động nhất định. Khi hết thời hạn quy định, nếu Nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục hoạt động Dự án thì phải thực hiện thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đầu tư và thời gian gia hạn. Nhưng thời gian gia hạn không vượt quá 50 năm đối với dự án đầu tư ngoài khu kinh tế, không quá 70 năm đối với dự án trong khu kinh tế.
4) Điều kiện gia hạn giấy chứng nhận đầu tư là gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì sau khi nhà đầu tư đã kết thúc thời hạn trong điểm a và b khoản 4 Điều 44 Luật đầu tư 2020 muốn tiếp tục thực hiện dự án thì phải đáp ứng các điều kiện như sau:
“Điều 27. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
4. Trừ trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư, nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư khi kết thúc thời hạn hoạt động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đó nếu đáp ứng các điều kiện sau:
a) Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có); phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình kế hoạch phát triển nhà ở (đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị);
b) Đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (đối với trường hợp đề nghị gia hạn sử dụng đất)”
Và thời hạn gia hạn không vượt quá 50 năm đối với dự án đầu tư ngoài khu kinh tế, không quá 70 năm đối với dự án trong khu kinh tế.
Các trường hợp dự án đầu tư không được gia hạn thời hạn đầu tư được quy định căn cứ theo điểm a, điểm b khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư 2020 như sau:
“Điều 44: Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
….
4. Khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ các dự án đầu tư sau đây:
a) Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên;
b) Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam…”
Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên như sau:
Dự án sử dụng dây chuyền công nghệ khi hoạt động không đáp ứng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; hoặc công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi dây chuyền công nghệ trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất của dây chuyền công nghệ còn lại dưới 85% so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế; hoặc mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng vượt quá 15% so với thiết kế.
Dự án sử dụng máy móc, thiết bị để sản xuất có mã hàng hóa (mã số HS) thuộc các Chương 84 và 85 Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam có tuổi vượt quá 10 năm hoặc khi hoạt động không đáp ứng quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Trường hợp không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường liên quan đến máy móc, thiết bị của dự án thì áp dụng chỉ tiêu kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
5) Hồ sơ gia hạn giấy chứng nhận đầu tư cần những giấy tờ gì
Căn cứ theo Điều 55 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ gia hạn giấy chứng nhận đầu tư như sau:
*Hồ sơ gồm:
- Văn bản đề nghị gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư (mẫu theo Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT)
- Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
- Quyết định chấp thuận nhà đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương;
- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
6) Gia hạn giấy chứng nhận đầu tư ở đâu
Đối với Dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư:
Nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ cho một trong hai cơ quan sau:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong trường hợp Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ là cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
- Cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư:
Nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ gia hạn Dự án cho Cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước đó.
Các phương thức nộp hồ sơ:
- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chinh công tỉnh/ thành phố nơi nhà đầu tư đăng ký Giấy chứng nhận đầu tư.
- Nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính;
- Nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ: http://dichvucong.gov.vn
7) Thời gian gia hạn giấy chứng nhận đầu tư và bao lâu
Căn cứ theo Điều 55 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về thủ tục gia hạn chứng nhận đầu tư như sau:
Đối với Dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét điều kiện gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư để lập báo cáo thẩm định trình cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
Đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.
Lưu ý: Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, trong thời hạn tối thiểu 06 tháng trước khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định.
8) Phí, lệ phí gia hạn giấy chứng nhận đầu tư
Hiện nay, Nhà đầu tư nước ngoài không phải nộp phí, lệ phí nhà nước khi thực hiện thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đầu tư.
Việt Nam chúng ta là một trong những nước đang phát triển với nhiều nguồn phát triển về tài nguyên và có nguồn nhân lực dồi dào thu hút rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đến để đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh doanh của họ. Bên cạnh đó các nhà đầu tư cũng rất quan tâm về cách thức đầu tư một cách hợp pháp có được sự bảo hộ của của Pháp luật.
Trên đây là toàn bộ nội dung phân tích liên quan về thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đầu tư dành cho các nhà đầu tư về các vấn đề thắc mắc trong thủ tục và quy trình. Nếu các bạn có các thắc mắc về hồ sơ và thủ tục có thể liên hệ Luật sư để được tư vấn cụ thể về thủ tục và hồ sơ với một chi phí tiết kiệm, và chính xác nhất.