CHỦ NHÀ TỰ Ý KHÓA NHÀ KHI NGƯỜI THUÊ NHÀ CHƯA TRẢ TIỀN THUÊ?

CHỦ NHÀ TỰ Ý KHÓA NHÀ KHI NGƯỜI THUÊ NHÀ CHƯA TRẢ TIỀN THUÊ?

Chị Hoàng Thị Phương, có địa chỉ tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương đặt câu hỏi cho luật sư:

Năm 2020 tôi có thuê căn nhà 200m2 của anh Lê Văn Phúc để kinh doanh quán trà sữa với thời hạn thuê theo thỏa thuận là 05 năm, giá thuê là 7.000.000 đồng/tháng. Gần đây do kinh doanh không hiệu quả và chồng tôi lâm bệnh nặng nên tôi đã xin anh Phúc cho tôi chậm đóng tiền thuê 01 tháng. Tuy nhiên anh Phúc không đồng ý vì cho rằng anh cần phải đóng tiền học cho con và sau đó lúc tôi và các con đến Bệnh viện thăm nom chồng mấy ngày thì anh Phúc đã khóa cửa nhà không cho chúng tôi vào nhà, chúng tôi yêu cầu anh Phúc mở cửa để chúng tôi vào nhà nhưng anh Phúc không đồng ý và yêu cầu chúng tôi phải trả tiền thuê. Hiện tại gia đình chúng tôi không thể vào nhà vì anh Phúc đã khóa cửa, chúng tôi đã phải thuê nhà trọ gần đây để ở tạm nhưng trong nhà còn rất nhiều đồ đạc giá trị và chúng tôi cần phải vào nhà mở cửa hàng để kinh doanh. Do đó, tôi có một số câu hỏi sau đây mong Luật sư giải đáp giúp tôi?

Câu hỏi 1: Hành vi tự ý khóa cửa không cho chúng tôi vào nhà của anh Phúc như trên là đúng hay sai?

Câu hỏi 2: Tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Câu hỏi 3: Tôi cần phải nộp tài liệu, chứng cứ gì cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết sự việc nêu trên?

Xin Luật sư trả lời giúp tôi. Xin cảm ơn Luật sư

LUẬT SƯ TRẢ LỜI:

Câu hỏi 1:

Căn cứ Điều 472 BLDS 2015 quy định:

Điều 472. Hợp đồng thuê tài sản

Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo đó trong trường hợp này là hợp đồng thuê nhà, là sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các bên, theo đó bên cho thuê giao nhà cho bên thuê theo như thời hạn đã thỏa thuận. Trong trường hợp hai bên xuất hiện quan hệ hợp đồng, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực, mà chủ nhà có hành vi đổi khóa cửa để giữ đồ đạc của bạn ở trong nhà, có thể xuất phát từ nguyên nhân bạn chậm tiền nhà, nhưng hành vi của chủ nhà vẫn bị coi là hành vi trái pháp luật. Bởi thông thường những đồ đạc trong nhà hầu hết đều là những tài sản có giá trị.

Căn cứ Điều 172 BLHS 2015 quy định:

Điều 172. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

b) Hành hung để tẩu thoát;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản là hàng cứu trợ;

đ) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Theo đó, công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người hoặc một nhóm người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện có tính chất công khai, lợi dụng tình trạng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để chiếm đoạt tài sản. Điều này là phù hợp với tình huống của bạn, vì chủ nhà đã khóa cửa khi gia đình bạn đi vắng, thì khi đó, chủ nhà không cần và không có ý định dùng bất cứ thủ đoạn gì để đối phó với gia đình bạn, họ cũng không phải đối phó với bất kì sự phản ứng nào của gia đình bạn vì lý do gia đình bạn không có nhà, không có điều kiện để ngăn cản, do đang ở xa. 

Do đó, Hành vi của anh Phúc có dấu hiệu và cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 172 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Câu hỏi 2:

Căn cứ Điều 144 BLTTHS 2015 quy định:

Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Trong trường hợp này bạn có thể trình báo lên cơ quan công an có thẩm quyền để họ xử lý theo đúng trình tự và thủ tục pháp luật.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 423 và Điều 427 BLDS quy định:

Điều 423. Hủy bỏ hợp đồng

1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

Điều 427. Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng

3. Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.

Theo đó, ngoài ra, việc chủ nhà khóa cửa không cho gia đình bạn vào vào nhà nhà mà gây ra thiệt hại khi hợp đồng thuê nhà vẫn đang có hiệu lực được coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng hợp đồng thuê được đôi bên giao kết ban đầu. Vì thế bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện chủ nhà ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Câu hỏi 3:

– Chứng cứ bạn cần phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền:

(1) Hợp đồng thuê nhà;

(2) Bảng sao kê tài khoản ngân hàng;

(3) Tài liệu, chứng cứ chứng minh anh Phúc tự ý khóa cửa nhà (Ví dụ: Trích xuất camera, bản ghi âm hoặc tin nhắn cuộc trao đổi nội dung anh Phúc khóa cửa không cho bạn vào…)

LỜI KHUYÊN: Nhận thấy mâu thuẫn phát sinh do gia đình bạn khó khăn về mặt kinh tế mà không có đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ thanh toán hàng tháng tiền thuê, thì thiết nghĩ nên ngồi lại và cần nói chuyện, thỏa thuận với chủ nhà trước cũng như trả lại số tiền còn thiếu để giải quyết vấn đề của mình một cách nhanh chóng và đỡ tốn kém về chi phí nhất có thể. Nếu đã thỏa thuận nhưng bên chủ nhà vẫn nhất quyết không đồng ý thì bạn có thể khởi kiện chủ nhà ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu Tòa giải quyết hoặc có thể trình báo với cơ quan công an để yêu cầu giải quyết những hành vi vi phạm của chủ nhà như đã nói ở trên.

Liên hệ ngay:
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận